Để việc tinh giản biên chế thực sự hiệu quả

Giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người. Kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học.

Tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 19-8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

Một nội dung đáng chú ý theo báo cáo giám sát là trong giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người (giảm 11,67%). Trong đó, các bộ, ngành giảm hơn 40.000 người, các địa phương giảm hơn 196.000 người, vượt mục tiêu 10% theo yêu cầu của Trung ương.

Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tinh giản biên chế chậm lại đáng kể. Mức giảm trong giai đoạn này ở các địa phương chỉ đạt 1,42%.

 Ảnh minh họa: baobariavungtau.com.vn

Ảnh minh họa: baobariavungtau.com.vn

Mặc dù về con số tinh giảm trong giai đoạn 2015-2021, đây là tín hiệu đáng mừng do biên chế đã giảm hơn mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, xét về “chất” thì rất đáng suy nghĩ bởi diện được tinh giản chủ yếu là tự nguyện nghỉ, dôi dư sau sắp xếp và ốm đau, bệnh tật, chưa giảm được nhiều biên chế làm việc không hiệu quả, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Chính vì vậy, báo cáo giám sát đã đánh giá giai đoạn 2015-2021, kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học.

Thực tế cho thấy, việc tinh giản biên chế theo kiểu cơ học mang lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là tình trạng tinh giản không đúng đối tượng. Có những bộ phận thừa biên chế, có những viên chức yếu cả về năng lực, trình độ, phẩm chất lẽ ra cần phải tinh giản thì lại không thực hiện tinh giản, trong khi đó lại “tinh giản” ở những bộ phận, lĩnh vực thực sự cần thiết, thậm chí đang thiếu người làm việc, để đạt được mục tiêu tinh giản 10%... Hiện nay, nhiều địa phương đang thiếu giáo viên nghiêm trọng nhưng không thể tuyển dụng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phải tinh giản biên chế là một ví dụ điển hình.

Thực trạng nói trên không những khiến cơ quan, đơn vị rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn khiến nhiều cán bộ, đảng viên tâm tư, dư luận xã hội bức xúc.

Tinh giản biên chế là yêu cầu tất yếu khách quan để xây dựng bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trước mắt, đó là một nội dung quan trọng để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Để hạn chế tình trạng “giảm” nhưng không “tinh” trong tinh giản biên chế, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chủ trương này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trước hết cần tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần thực hiện thực chất, nghiêm túc công tác rà soát, đánh giá chất lượng viên chức hằng năm để có cơ sở đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Cùng với đó, các bộ, ngành chức năng cần sớm có hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo ngành, lĩnh vực, số lượng biên chế của các đơn vị..., tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những tập thể, cá nhân vi phạm hoặc thực hiện chưa đúng.

NGUYỄN CỬ (Phường Tiên Cát, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/de-viec-tinh-gian-bien-che-thuc-su-hieu-qua-790246