Để vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 thắng lợi

Năm nay, nước lũ rút chậm kết hợp triều cường dâng cao ảnh hưởng tiến độ gieo sạ lúa Đông Xuân (ĐX) 2022-2023. Do đó, ngành Nông nghiệp đang tích cực đưa ra các giải pháp giúp nông dân 'né' hạn, xâm nhập mặn và hạn chế sâu, bệnh, dịch hại, góp phần cho vụ mùa thắng lợi.

Cần tuân thủ lịch thời vụ

ĐX là vụ sản xuất chính, đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm. Hiện nay, toàn tỉnh gieo sạ 57.448ha lúa ở các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Đức Hòa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Trong đó, đã thu hoạch 130ha, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng 624 tấn.

Thông tin từ các ngành chức năng, năm nay, lũ rút chậm và thời tiết diễn biến tương đối phức tạp, nắng nóng, mưa giông trái mùa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Do đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, rà soát kế hoạch sản xuất và tùy điều kiện cụ thể để xây dựng lịch thời vụ thích ứng với diễn biến nguồn nước, dịch hại.

Nông dân sử dụng máy cấy trong sản xuất lúa tại huyện Thạnh Hóa

Nông dân sử dụng máy cấy trong sản xuất lúa tại huyện Thạnh Hóa

Tại huyện Tân Trụ, ngành Nông nghiệp nỗ lực khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ nhằm “né” hạn, xâm nhập mặn và dịch hại. Cụ thể, huyện đưa ra khung lịch xuống giống: Đợt 1 từ ngày 10 đến 17/11/2022 (nhằm ngày 17 đến 24/10 Âm lịch); đợt 2 từ ngày 10 đến 17/12 (nhằm ngày 17 đến 24/11 Âm lịch). Ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn như ST 24, ST 25, RVT, OM 5451,...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo chia sẻ: “Hàng năm, huyện Tân Trụ là một trong những địa phương bị xâm nhập mặn đầu tiên của tỉnh. Do đó, huyện luôn chú trọng các giải pháp thích nghi với xâm nhập mặn, trong đó có việc gieo sạ lúa ĐX. Ngoài đưa ra lịch thời vụ, ngành còn vận động nông dân ở những xã thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn sớm như Nhựt Ninh, Tân Phước Tây,... không gieo sạ vụ Thu Đông để gieo sạ sớm vụ ĐX với diện tích khoảng 30ha. Đến thời điểm này, nông dân đang gieo sạ đúng khuyến cáo của ngành”.

Nông dân huyện Tân Thạnh phun thuốc cho lúa bằng máy bay điều khiển từ xa

Nông dân huyện Tân Thạnh phun thuốc cho lúa bằng máy bay điều khiển từ xa

Nước lũ rút chậm kết hợp triều cường dâng cao làm cho tiến độ gieo sạ lúa ĐX 2022-2023 trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh có thể chậm hơn so cùng kỳ năm 2021. Việc gieo sạ chậm sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch hại. Vì vậy, xã chủ động gia cố đê bao, bơm rút nước cho nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ. Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Nguyễn Văn Điệp cho hay: “Vụ ĐX 2022-2023, toàn xã xuống giống 1.680ha, đạt 100% kế hoạch. Để chủ động cho nông dân xuống giống theo lịch khuyến cáo, xã vận động nông dân bơm rút nước ra; đồng thời, tham mưu UBND huyện cho kinh phí gia cố 4 tuyến đê bao với chiều dài 6,7km. Năm nay, nước lũ rút chậm nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nông dân nên việc gieo sạ lúa vụ ĐX vẫn đúng tiến độ. Dự kiến, diện tích lúa ĐX sẽ thu hoạch trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023”.

Còn tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng), Ban Giám đốc HTX chủ động vận động thành viên góp tiền bơm rút nước ra, gieo sạ vụ lúa ĐX đúng tiến độ để hạn chế dịch hại. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Tân - Ngân Văn Phi nói: “Hiện thành viên HTX gieo sạ trên 120ha. Bình quân thành viên đóng tiền bơm nước 700.000 đồng/ha. Điều này làm chi phí đầu vào tăng nhưng đổi lại, nông dân “né” được dịch hại, bảo đảm năng suất. Năm nay, nước lũ rút chậm ảnh hưởng tiến độ gieo sạ lúa của nông dân rất nhiều, trong khi đó khuyến cáo của các ngành chức năng nếu gieo sạ trễ, không đồng loạt sẽ xuất hiện rất nhiều dịch hại như sâu năn, chuột, đạo ôn,... Vì vậy, HTX quyết tâm vận động các thành viên gieo sạ dứt điểm trong tháng 12/2022”.

Ông Nguyễn Văn Hà - thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Tân, chia sẻ: “Thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp huyện, chúng tôi bơm rút nước ra để gieo sạ đồng loạt nhằm “né” rầy, tránh dịch hại. Hiện 2ha lúa của gia đình tôi được trên 10 ngày tuổi và phát triển tốt”.

Để sản xuất hiệu quả

Tương tự năm trước, lịch gieo sạ lúa ĐX 2022-2023 sớm hơn 1 tháng nhằm tránh tác động bất lợi của hạn, xâm nhập mặn. Theo đó, đợt 1 gieo sạ từ ngày 10 đến 17/10, áp dụng cho các vùng cao, vùng gò biên giới các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và các huyện phía Nam có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức và Đức Hòa. Đợt 2 gieo sạ từ ngày 08 đến 23/11, áp dụng cho các huyện vùng đất trung bình, vùng có đê bao, các xã chủ động nguồn nước ở các huyện phía Nam. Đợt 3 gieo sạ từ ngày 08 đến 25/12 áp dụng đối với các huyện vùng trũng thuộc vùng Đồng Tháp Mười, đê bao chưa khép kín.

Nông dân huyện Vĩnh Hưng cày xới đất chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân 2022-2023

Nông dân huyện Vĩnh Hưng cày xới đất chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân 2022-2023

Để vụ lúa ĐX 2022-2023 sản xuất hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương phải tích cực vận động nông dân sau khi thu hoạch lúa Thu Đông cần vệ sinh đồng ruộng, trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm, rạ, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm, rạ chưa kịp phân hủy. Ðặc biệt, nông dân xuống giống lúa ĐX phải tập trung đồng loạt nhưng vẫn bảo đảm thời gian cách vụ.

Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn, mưa, bão để triển khai lịch thời vụ phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng cơ cấu giống lúa phải bảo đảm yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất, thị trường; giữ tỷ lệ cơ cấu phù hợp với các giống chủ lực như Nàng Hoa 9, RVT, Tài nguyên, ST 24, ST 25, VD 20, Nàng Thơm, Đài thơm 8, OM 5451, OM 4900,... Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, sạ cụm, cấy máy; lượng giống sử dụng không quá 100kg/ha, đặc biệt khuyến khích các biện pháp canh tác sử dụng từ 50-60kg giống/ha.

Ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất lúa Đông Xuân sớm tại huyện Tân Trụ

Ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất lúa Đông Xuân sớm tại huyện Tân Trụ

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, trước khi gieo sạ lúa ĐX, nông dân cần chú ý thực hiện tốt việc xới, trục kết hợp làm phẳng mặt ruộng, đánh rãnh tạo điều kiện thoát nước tốt, thuận lợi cho việc chăm sóc và quản lý dịch hại trên đồng ruộng. Gia cố bờ bao, cống bảo đảm điều tiết nước trên đồng ruộng. Về chăm sóc, cần bón lót phân lân, vôi, phân hữu cơ,... giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ; tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sâu, rầy,...

“Sở cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, thủy văn, dịch bệnh,... để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp; kịp thời tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch khuyến cáo, hỗ trợ nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Phối hợp các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý chất lượng giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng hàng giả, kém chất lượng, tạo khan hiếm giả, tăng giá vật tư nông nghiệp trong vụ ĐX 2022-2023” - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm./.

Lê Ngọc - Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/de-vu-lua-dong-xuan-2022-2023-thang-loi-a145447.html