Để vụ lúa mùa thắng lợi!

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa đang được các huyện, thành phố và nông dân trong tỉnh tích cực triển khai. Các khâu chọn lựa cơ cấu, giống, làm đất, phòng trừ sâu bệnh được bà con nông dân chuẩn bị kỹ lưỡng bảo đảm cho một vụ mùa thắng lợi. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa đang được các huyện, thành phố và nông dân trong tỉnh tích cực triển khai. Các khâu chọn lựa cơ cấu, giống, làm đất, phòng trừ sâu bệnh được bà con nông dân chuẩn bị kỹ lưỡng bảo đảm cho một vụ mùa thắng lợi.

Nông dân xã Xuân Tiến (Xuân Trường) làm đất gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất.

Bám sát kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định đã chuẩn bị hơn 600 tấn lúa giống, gồm: Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá, LT2 kháng bạc lá, LT5, Khang Dân, Việt Hương Chiếm, Nếp Bắc, Nếp 97, Nếp Đài Loan, Nhị ưu 838. Để đảm bảo cung ứng lúa giống chất lượng, Công ty đã áp dụng hệ thống máy sàng lọc thế hệ mới giúp loại bỏ hạt lép lửng nên lúa giống bán ra luôn sáng mẩy, bảo đảm độ thuần, đúng giống, đồng nhất về kích cỡ, không bị lẫn những giống khác, hạt cỏ và tạp chất. Đồng chí Mai Văn Đức, Giám đốc Công ty cho biết: Mặc dù thị trường có nhiều biến động, nhất là chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng nhưng đơn vị vẫn nỗ lực duy trì giá bán giống lúa tới hộ nông dân tương đương vụ mùa năm 2021. Cụ thể, giá bán lúa giống thuần Khang Dân, Việt Hương Chiếm từ 19-20 nghìn đồng/kg; Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá, LT2 kháng bạc lá, LT5 có giá 32 nghìn đồng/kg... Chị Phạm Thị Kim Thảo ở HTX Nam Thái, xã Kim Thái (Vụ Bản) cho biết: Gia đình tôi chọn mua giống lúa Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định để gieo mạ nền cấy hơn 6 sào lúa mùa. Theo hướng dẫn của Ban Nông nghiệp xã, từ ngày 22-6 tôi đã gieo mạ cấy trà mùa trung để đến ngày 12-7 mạ đủ tuổi sẽ xuống đồng, phấn đấu đến 17-6 sẽ cấy xong toàn bộ diện tích lúa mùa.

Cùng với sự chuẩn bị đầy đủ nguồn giống lúa chất lượng, trên khắp các cánh đồng những ngày này, mặc cho thời tiết nắng nóng, oi bức, những chủ máy cày chạy đua với thời gian miệt mài “cày bừa kỹ” chuẩn bị ruộng để gieo cấy lúa mùa. Anh Nguyễn Văn Xuân, chủ máy cày ở HTX Cộng Hòa (Vụ Bản) cho biết: Do thời gian chuyển vụ ngắn, trời lại rất nắng nóng nhưng vẫn phải bảo đảm cho đất nhuyễn, ngấu ngả để bà con gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ, tôi phải tranh thủ sớm tối đưa máy ra đồng làm đất. Nhờ đó đến nay, toàn bộ diện tích gần 40ha gieo cấy lúa mùa theo hợp đồng với bà con đã cơ bản được làm đất kỹ, sẵn sàng phương châm “ruộng chờ mạ”. Cùng với làm đất, bà con xã viên trong HTX Cộng Hòa cũng tích cực vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ để hạn chế nguồn sâu, bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen, tập trung nhổ bỏ, tiêu hủy triệt để nhằm ngăn chặn sự lây lan của lúa cỏ (lúa ma) từ cánh đồng này sang cánh đồng khác… Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, xã Cộng Hòa gieo cấy hơn 450ha, trong đó chủ yếu là trà mùa trung. Đồng chí Trần Công Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen và bạc lá lúa trong vụ mùa này, UBND xã chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã, HTX nông nghiệp hướng dẫn xã viên lựa chọn cấy các giống lúa ít nhiễm rầy, bạc lá, đồng thời áp dụng công thức thâm canh cải tiến, thực hiện cấy hợp lý, bón phân cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, quản lý nước chặt chẽ và bổ sung phân hữu cơ để tạo dàn lúa khỏe, quan tâm theo dõi phòng trừ chuột, ốc bươu vàng… Toàn xã đã đồng loạt gieo mạ từ ngày 28-6 và phấn đấu gieo cấy nhanh, gọn, tập trung lúa mùa xong trước ngày 20-7-2022.

Giống lúa LT2 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định đã được cung cấp cho nông dân gieo cấy trong vụ mùa 2022.

Theo Sở NN và PTNT, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 72.500ha. Mỗi huyện phấn đấu có ít nhất 10 cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa quy mô từ 30ha/cánh đồng; có ít nhất 2 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa có sự tham gia của doanh nghiệp; có ít nhất 2 mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Trong điều kiện sản xuất vụ xuân kết thúc muộn khoảng 10 ngày nên các địa phương đã chủ động hướng dẫn bà con thực hiện phương châm gieo cấy càng sớm càng tốt, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đúng cơ cấu giống, phương thức, thời vụ gieo cấy theo hướng dẫn, kế hoạch nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bệnh lùn sọc đen và lúa cỏ. Cụ thể cơ cấu diện tích lúa lai 9-10% trên các chân ruộng trũng, ruộng nhiễm chua, phèn, mặn và diện tích có nguy cơ bị ngập úng, với các giống Lai thơm 6, CT16, Bắc ưu 903 kháng bạc lá, TX111, Phúc Thái 168; diện tích cấy lúa thuần là 80% sử dụng các giống lúa: TBR279, TBR225, M1-NĐ, Lộc Trời 183, ADI168, Nếp Hưng Yên, CS6, ADI28… Các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích trình diễn các giống lúa mới có triển vọng như: LT2 kháng bạc lá, Thiên Trường 900, ADI30, QS88, TBR89, Nếp Đài Loan, Koji, Dự hương 8, TBR225 kháng bạc lá… để từng bước chọn lọc bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các huyện, thành phố tăng cường khuyến khích xây dựng và nhân rộng mô hình áp dụng phương thức mạ khay - mạ cấy, sạ hàng để tiết kiệm giống, nhất là đối với các mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn, hạn chế tối đa diện tích gieo sạ. Đối với các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Bắc thơm số 7 phải thực hiện quy trình thâm canh theo hướng dẫn của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 30-40% diện tích trà mùa sớm, mùa trung sớm bằng mạ nền, mạ dược hoặc dày xúc; gieo cấy theo vùng tập trung đã được quy hoạch nhằm tạo quỹ đất để trồng các loại cây rau, màu vụ đông hàng hóa tăng thu nhập cho nông dân. Thời vụ gieo cấy lúa mùa là thời điểm thường xuất hiện mưa lớn, mưa tập trung dễ gây ngập úng trên diện rộng. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo bố trí cơ cấu giống và phương thức gieo cấy phù hợp để chủ động phòng, chống mưa úng; đồng thời có kế hoạch gieo mạ dự phòng 10% diện tích bằng các giống lúa ngắn ngày. Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi chủ động xây dựng phương án sản xuất vụ mùa đảm bảo phương châm chủ động lấy nước, làm đất; xây dựng kịch bản chi tiết về điều tiết nước cho sản xuất, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ công tác tiêu thoát nước nhằm hạn chế thấp nhất diện tích lúa bị úng ngập do mưa lớn kéo dài gây ra. Khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa phải có sự thống nhất chặt chẽ giữa các huyện, thành phố với các công ty thủy nông để chủ động điều tiết nước và vận hành hệ thống theo phương châm tiêu là chính, trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêu úng cục bộ cho các vùng trũng thấp.

Tích cực gieo mạ, làm đất theo kế hoạch và chủ động áp dụng quy trình thâm canh, các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh phấn đấu việc gieo cấy và sản xuất lúa mùa năm 2022 sẽ hoàn thành về chỉ tiêu năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế theo kế hoạch đề ra./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202207/de-vu-lua-mua-thang-loi-2551763/