Để vươn xa, doanh nghiệp Việt cần lắm nơi đặt chân vững chắc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tin rằng, thịnh vượng của nền kinh tế sẽ đến nếu doanh nghiệp cảm thấy tự tin, an toàn trên hành trình thực hiện giấc mơ làm giàu, trên chặng đường tìm kiếm mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng kinh doanh mới.
“Quà Tết” của Thủ tướng
Tròn một tuần sau khi Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2019 với 25 điểm chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật do VCCI tập hợp được công bố, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng thông báo, trong kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, 25 điểm này sẽ được đặt lên bàn sửa đổi ngay trong năm nay. Cách thức sửa đổi cũng được làm rõ, đó là các bộ, ngành và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ cùng tham gia nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể.
Dù sẽ phải đợi Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kế hoạch này, dự kiến vào tháng 2/2020, nhưng đây là điều mà ông Lộc và các cộng sự ở VCCI chờ đợi suốt mấy tháng cuối năm 2019. Trước đó, vào tháng 8/2019, VCCI có báo cáo nhanh gửi Chính phủ về các vướng mắc này, khi đó mới thống kê được 20 điểm, nhưng không thấy phản hồi của các bộ, ngành về hướng xử lý.
“Chúng tôi muốn gọi đây là món quà đầu năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành cho doanh nghiệp. Trước mắt doanh nghiệp đang có nhiều con đường, nhưng sự chồng chéo quy định khiến họ không dám chọn, vì theo quy định này thì đúng, nhưng văn bản khác thì lại bảo sai... Nếu sửa nhanh, tôi tin là dòng chảy đầu tư tư nhân và đầu tư công sẽ được thông, sẽ chảy mạnh”, ông Lộc chia sẻ niềm vui khi vừa bước ra khỏi cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ.
Những vướng mắc này thực ra không mới. Từ năm 2003, những mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh đã được các doanh nghiệp kiến nghị tới VCCI và Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ. Suốt nhiều năm sau đó, VCCI đã phối hợp với Tổ công tác khảo sát, đề xuất giải pháp xử lý ở cấp địa phương. Nhiều địa phương rất hăng hái cải cách, vì cần thu hút nhanh nguồn lực đầu tư, kể cả trong và ngoài nước.
Năm 2009, Bắc Ninh đã áp dụng quy trình thụ lý song song cho các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai. Năm 2010, mô hình này được Thừa Thiên Huế, Bình Định triển khai, giảm khoảng 40% thời gian làm thủ tục của nhà đầu tư, còn 110 -150 ngày. Một số tỉnh khác như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Thuận áp dụng mô hình một cửa liên thông...
“Nhưng giờ không chỉ doanh nghiệp lo lắng, mà bí thư, chủ tịch các địa phương cũng sốt ruột. Thủ tục không thông, dự án không có, không biết kinh tế địa phương những năm tới sẽ thế nào. Có địa phương, số dự án chỉ còn khoảng 1/3. Doanh nghiệp lo vì cơ hội đi qua rất nhanh. Nếu vướng thủ tục hải quan, hàng đưa vào lưu thông chậm vài ngày, doanh nghiệp có thể bị thua lỗ; nhưng chậm đưa dự án vào thực hiện, doanh nghiệp có thể phải đóng cửa, phá sản...”, ông Lộc phân tích.
Ước mơ “không còn cô đơn”
Tròn 20 năm trước, vào ngày 28 Tết Canh Thìn (3/2/2000), cộng đồng doanh nghiệp Việt đã đón món quà Tết sớm của Thủ tướng Phan Văn Khải. Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ 84 loại giấy phép con đã kéo dài tinh thần cải cách sôi sục của giai đoạn soạn thảo, thông qua Luật Doanh nghiệp.
Trong vòng 2 năm, 2000-2002, số doanh nghiệp thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp là trên 55.000, vượt qua tổng số 45.000 doanh nghiệp được thành lập trong 10 năm thực hiện Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (từ 1991-1999). Số doanh nghiệp tư nhân trong các ngành nghề được bãi bỏ giấy phép tăng đột biến.
“Hồi đó, cảm giác được là một thành phần chính thức trong nền kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp thăng hoa. Nhiều thương hiệu Việt lớn hiện tại đã nảy mầm, bừng nở trong giai đoạn đó. Bây giờ cũng vậy. Nếu doanh nghiệp cảm thấy cô đơn, không an toàn, sẽ không có ý tưởng, sáng tạo hay khát vọng lớn lao. Tôi đã hỏi các doanh nghiệp muốn gì để cất cánh, họ nói cần phải có chỗ đặt chân vững đã”, ông Lộc kể lại.
Nhưng đây vẫn là ước mơ chưa được thực hiện trọn vẹn của Chủ tịch VCCI. Cuối năm 2015, sau thời gian èo uột của khu vực kinh tế tư nhân, ông Lộc đã bắt đầu nói về nỗi cô đơn không đáng có của khu vực này. Doanh nghiệp cô đơn vì không kết nối được chuỗi giá trị toàn cầu trong nền kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ; không tận dụng được tác động lan tỏa nhờ kết nối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài...
Tình thế thay đổi dần khi trong 3 năm liền sau đó, Chính phủ đã hành động mạnh mẽ để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự gia nhập thị trường, thúc đẩy kết nối kinh doanh. Năm 2016, Chính phủ ghi điểm bằng quyết định xóa bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh, giấy phép con có trong các thông tư, văn bản của các bộ, ngành, địa phương. Hơn 3.500 điều kiện kinh doanh đã bị xóa sổ. Năm 2018, 50% điều kiện kinh doanh, 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ, đơn giản hóa...
Doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ khi niềm tin được củng cố. Kể từ năm 2016 đến nay, kỷ lục doanh nghiệp thành lập mới liên tục được phá vỡ, từ 110.000 doanh nghiệp năm 2016 lên 132.000 doanh nghiệp năm 2019. Đáng nói là số doanh nghiệp quy mô lớn tăng cao thay vì những doanh nghiệp “thoắt ẩn, thoắt hiện” tận dụng cơ chế... Đặc biệt, chưa bao giờ không gian dành cho giới khởi nghiệp sáng tạo lại rộng rãi như vài năm qua.
Rõ ràng, trừ một số ít có năng lực hạn chế, khó phát triển, thì phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không đáng bị cô đơn. Ông Lộc nhắc lại rất nhiều lần điều này khi cảm thấy nhiều doanh nghiệp Việt vẫn cô đơn trong các dự án lớn, các ý tưởng sáng tạo...
“Nếu các bộ, ngành quản lý nhà nước mà không ngồi được với nhau, thì doanh nghiệp sẽ còn cô đơn, còn khó khăn. Thử phân tích riêng 25 nút thắt thể chế trong đầu tư xây dựng sẽ thấy, doanh nghiệp đi thế nào, bắt kịp cơ hội thị trường ra sao khi kêu mãi vướng mắc mà không được gỡ. Họ sẽ lớn lên thế nào khi họ sẵn sàng làm ô tô, đóng tàu và còn làm nhiều việc lớn lao hơn, nhưng lại thiếu cơ chế hợp tác công tư (PPP) để cùng làm với nhà nước, cùng chia sẻ thời cơ, lợi nhuận và rủi ro... ”, ông Lộc lý giải bằng rất nhiều câu hỏi.
Thịnh vượng sẽ đến khi tất cả cùng hành động
Trong bức tranh kinh tế vĩ mô, ông Lộc quan tâm hơn cả tới nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp. “Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mới khỏe, doanh nghiệp sẵn sàng sáng tạo thì mới có nền kinh tế sáng tạo”, ông Lộc nhắc lại quy luật.
Nhưng 3 năm vừa rồi, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nguồn thu này đã không đạt kế hoạch, nghĩa là doanh nghiệp đang khó khăn. Trong lúc này, sự đồng cam, cộng khổ của cả hệ thống chính trị, của cả người lao động với doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh là rất quan trọng.
“Nếu không cải cách mạnh mẽ vì sự minh bạch, nếu từng người, từng vị trí không kết nối để hành động, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp Việt, mà cả nền kinh tế sẽ cô đơn trong dòng chảy của thị trường toàn cầu”, ông Lộc nói.