Để xe buýt phát triển, hấp dẫn hành khách
'Xe buýt Thủ đô đang từng bước phục hồi sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, song sản lượng vận chuyển chưa được như kỳ vọng. Để xe buýt phát triển, hấp dẫn hành khách, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu hợp lý hóa luồng tuyến để tăng khả năng kết nối; ưu tiên đầu tư hạ tầng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường tuyên truyền, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ…'. Đây là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải với phóng viên Báo Hànôịmới.
- Xin ông đánh giá về sự phục hồi và phát triển của xe buýt Thủ đô trong năm 2022?
- Năm 2022, mạng lưới tuyến xe buýt được tăng cường năng lực cung ứng với việc mở mới, đưa vào hoạt động 11 tuyến (5 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và 6 tuyến buýt điện); từng bước hợp lý hóa luồng tuyến thông qua việc điều chỉnh lộ trình, dịch vụ với 82 tuyến. Các đơn vị đã đầu tư và thay mới 217 xe buýt mới; đưa thêm 97 xe buýt điện và 37 xe buýt CNG vào hoạt động, nâng tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch lên 276 xe (chiếm 13,6%). Hiện 2.288 xe trên toàn mạng đều được trang bị hệ thống giám sát hành trình (GPS), camera giám sát trên xe, hệ thống tự thông báo điểm dừng, đèn LED…
Sản lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, tăng 67,7% so với năm 2021. Trong đó, riêng buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với năm 2021. Sản lượng có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa được như kỳ vọng, dẫn đến tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2022 chỉ đạt 18,5%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 21,5-23%.
- Đâu là nguyên nhân dẫn tới sự phục hồi chưa như kỳ vọng dù đã được quan tâm đầu tư rất nhiều, thưa ông?
- Thứ nhất, trong những tháng đầu năm, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng và đạt đỉnh vào cuối tháng 2-2022. Để phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố, vận tải hành khách công cộng được điều chỉnh giảm 50% công suất từ ngày 1-1 đến 12-2-2022; điều chỉnh giảm 15% công suất từ ngày 16-3 đến hết 14-7-2022…
Thứ hai là bị ảnh hưởng bởi tổ chức phân luồng và ùn tắc giao thông. Trong năm 2022 vẫn còn 31 điểm ùn tắc, khiến 5.046 lượt xe phải bỏ chuyến do tắc đường (chiếm 0,08%); trên 72.000 lượt xe (chiếm 1,2%) phải điều chỉnh lộ trình; trên 576.000 lượt xe (chiếm 9,4%) xuất bến muộn so với biểu đồ.
Thứ ba, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa đủ hấp dẫn do thời gian chuyến đi của hành khách chưa được bảo đảm. Việc xe buýt vẫn phải vận hành chung và phụ thuộc rất nhiều vào dòng giao thông hỗn hợp, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên tuyến khiến tốc độ lưu thông của xe buýt giảm xuống. Trong 10 năm qua, tốc độ vận hành của xe buýt đã giảm 15-17%. Cụ thể, năm 2012, tốc độ bình quân của xe buýt là 16-16,5km/giờ thì nay chỉ đạt khoảng 13km/giờ, dẫn tới thời gian chuyến đi của hành khách tăng, tỷ lệ các chuyến xe đúng giờ giảm. Qua khảo sát hơn 3,44 triệu lượt xe của 132 tuyến buýt trợ giá, số lượt xe xuất bến chậm dưới 5 phút chiếm 10,9%; 5-10 phút chiếm 1%; 10-15 phút chiếm 0,5% và trên 15 phút chiếm 1%.
Ngoài ra, chất lượng đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé giữa các đơn vị chưa đồng đều, còn xuất hiện những vi phạm liên quan đến ý thức chấp hành pháp luật giao thông; kỹ năng nghiệp vụ, thái độ phục vụ…
- Vậy, Trung tâm có những giải pháp gì để tăng tính hấp dẫn của xe buýt, qua đó nâng sản lượng vận chuyển hành khách?
- Về lâu dài, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ tổ chức làn đường dành riêng, đầu tư hệ thống điểm trung chuyển, thẻ vé điện tử, hệ thống giao thông thông minh… Trước mắt trong năm 2023, chúng tôi đã đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội thuê đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới; đề xuất điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe tránh các điểm ùn tắc giao thông, giảm thời gian chuyến đi của hành khách; mở rộng vùng phục vụ, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ; tổ chức hợp lý hóa mạng lưới tuyến để tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Về hạ tầng, nghiên cứu tổ chức 1-2 làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến đường đủ điều kiện để giảm thời gian chuyến đi của hành khách…
Cùng với đó, xây dựng phương án vé đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng; cơ cấu lại giá vé xe buýt phù hợp với cự ly đi lại; rà soát phương án phân bổ giá vé tháng liên tuyến cập nhật phù hợp với thực tế, bảo đảm tính công bằng và tạo động lực khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền cũng như kiểm tra, giám sát, chống thất thoát doanh thu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm hợp đồng làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ…
- Trân trọng cảm ơn ông!