Đề xuất 4 nhóm ngành thí điểm kinh tế tuần hoàn

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đề xuất triển khai thí điểm kinh tế tuần hoàn cho 4 ngành là nông lâm nghiệp; công nghiệp; vật liệu xây dựng và năng lượng…

Vật liệu xây dựng là 1 trong 4 lĩnh vực đề xuất thử nghiệm kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Vật liệu xây dựng là 1 trong 4 lĩnh vực đề xuất thử nghiệm kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Với 4 nhóm ngành thử nghiệm nói trên, CIEM cũng đề xuất 6 nhóm chính sách thử nghiệm, bao gồm chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phân loại xanh; chính sách tư vấn và chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng, trái phiếu xanh; chính sách đất đai và chính sách đào tạo lao động.

Việc ban hành các chính sách thử nghiệm cho kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư theo Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Dự kiến, nghị định về chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ được trình Chính phủ xem xét trong năm nay, sau đó có hiệu lực thi hành trong vòng 5 năm để tổng kết và nhân rộng ra toàn quốc.

Tại Diễn đàn Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho biết, mục tiêu của chính sách thí điểm cho kinh tế tuần hoàn là sớm tạo ra sự an tâm cho nhà đầu tư và doanh nghiệp để thử nghiệm sáng kiến về kinh tế tuần hoàn.

Trên thực tế, nhiều mô hình ứng dụng kinh tế tuần hoàn đã được triển khai, tuy nhiên vẫn vướng phải nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM, nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực và tỏ ra lo ngại vì chi phí chuyển đổi rất cao.

Kinh tế tuần hoàn đã chính thức được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08 hướng dẫn luật, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục cụ thể hóa để giải tỏa nỗi lo của doanh nghiệp, bao gồm các vấn đề liên quan đến đầu vào, đầu ra giữa các ngành, vai trò của đổi mới sáng tạo, động lực cho doanh nghiệp triển khai kinh tế tuần hoàn…

Ông Dương cho biết, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra, phát triển kinh tế tuần hoàn không nhất thiết phải thực hiện một cách đồng nhất, thay vào đó là đưa ra những lĩnh vực ưu tiên phù hợp với điều kiện quốc gia. Trên cơ sở đó, CIEM đưa ra đề xuất 4 nhóm ngành ưu tiên thí điểm kể trên, đồng thời nhấn mạnh việc triển khai thí điểm cần có sự phối hợp giữa các ngành, tránh “mệnh ai nấy chạy”.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng cho biết, bài học kinh nghiệm quốc tế là cần sớm có một sandbox (cơ chế thử nghiệm) cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là cơ chế thử nghiệm huy động vốn.

Ông Thành nhìn nhận, trong bối cảnh mới, các phương thức cấp vốn cũ không còn phù hợp. Việc các chính sách về tài chính xanh vẫn còn mờ nhạt có thể gây ra nhiều rủi ro, vì vậy cần có một cơ chế đảm bảo tính rõ ràng và an toàn, có thể tính đến thành lập một ngân hàng chuyên để cấp vốn xanh cho doanh nghiệp.

Trước đó, trao đổi với TheLEADER, nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao nhiệm vụ ban hành các chính sách thí điểm cho kinh tế tuần hoàn. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) cho biết, trên cơ sở thử nghiệm, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho xây dựng chính sách và pháp luật.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/de-xuat-4-nhom-nganh-thi-diem-kinh-te-tuan-hoan-1686660913395.htm