Đề xuất 5 chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ Halal

Tại dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất 5 chính sách chủ yếu nhằm quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ Halal.

 Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam.

Chính sách 1: Quy định về tiêu chuẩn được áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ Halal

Mục tiêu của chính sách nhằm tìm hiểu, nghiên cứu các tiêu chuẩn Halal của các tổ chức quốc tế hàng đầu và các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Xây dựng các quy định về quản lý đối với các tiêu chuẩn được áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ Halal. Hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế/khu vực/quốc gia là thị trường trọng điểm để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Giải pháp thực hiện chính sách: Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Halal trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn Halal của tổ chức quốc tế hàng đầu và các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như các tiêu chuẩn Codex, Saudi Arabia, Malaysia, Indonesia, Philippines, các quốc gia Vùng Vịnh...; chấp nhận tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực của các quốc gia Hồi giáo.

Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn giải pháp này với lý do quy định này giúp các doanh nghiệp, các tổ chức đánh giá sự phù hợp có đầy đủ cơ sở về các tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ Halal phù hợp với từng thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có hoạt động tiếp cận, triển khai xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước hồi giáo một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.

Chính sách 2: Quy định về yêu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ Halal

Mục tiêu của chính sách nhằm xây dựng các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal đáp ứng các tiêu chuẩn trong và ngoài nước; đảm bảo các doanh nghiệp được các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước thử nghiệm, chứng nhận.... cho các sản phẩm, dịch vụ Halal phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước nhập khẩu theo các tiêu chuẩn nhập khẩu.

Giải pháp thực hiện chính sách: Quy định yêu cầu chung đối với sản phẩm Halal; quy định công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn sản phẩm Halal; quy định dấu chứng nhận Halal Việt Nam trên sản phẩm.

Lý do lựa chọn giải pháp là việc quy định quản lý về chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal thể hiện tính đặc thù, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ đó, từ đó bảo vệ quyền của người tiêu dùng, người sản xuất chân chính; giúp nâng cao giá trị của sản phẩm dịch vụ Halal, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng.

Chính sách 3: Quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ Halal và chấp nhận/thừa nhận kết quả chứng nhận của các tổ chức chứng nhận nước ngoài

Mục tiêu của chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ Halal tại Việt Nam. Các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận phải có đủ năng lực.

Nội dung của chính sách: Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ Halal. Quy định về các hoạt động chấp nhận/thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, đánh giá chứng nhận của các tổ chức nước ngoài và các tổ chức của Việt Nam đối với các nước nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ Halal.

Giải pháp thực hiện chính sách: Quy định điều kiện của tổ chức thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm Halal; quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm Halal; quy định thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài.

Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn giải pháp này với lý do nâng cao năng lực và hiệu quả của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước và của các tổ chức chứng nhận quốc tế, khu vực, nước ngoài được ủy quyền.

Chính sách 4: Quy định về thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu của sản phẩm, dịch vụ Halal

Mục tiêu của chính sách nhằm tạo cơ chế và áp lực quản lý nhà nước thường xuyên đối với người sản xuất, kinh doanh, tổ chức đánh giá sự phù hợp; nâng cao hiệu quả kiểm tra chất lượng sản phẩm Halal trên thị trường, trong sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu; phân biệt giữa kiểm tra chất lượng và thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật; quy định rõ về phương pháp thử, sử dụng kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm Halal.

Giải pháp thực hiện chính sách: Quy định rõ về kiểm tra chất lượng sản phẩm dịch vụ Halal, ưu tiên kiểm tra chất lượng trên thị trường và xuất khẩu (không báo trước), khi có vi phạm mới kiểm tra cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu.

Lý do lựa chọn giải pháp này nhằm giúp người sản xuất, kinh doanh, tổ chức đánh giá sự phù hợp, người tiêu dùng, cơ quan quản lý thống nhất cách thức thử nghiệm mẫu, chứng nhận sản phẩm, dịch vụ Halal; tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chính sách 5: Quy định về hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal

Mục tiêu của chính sách giúp doanh nghiệp, đặc biệt là nông dân, hợp tác xã, hộ cá thể yên tâm đầu tư sản xuất sản phẩm Halal, dịch vụ Halal một cách bền vững, phát triển toàn diện ngành kinh tế Halal của Việt Nam.

Nội dung của chính sách: Quy định ưu tiên áp dụng các chính sách kèm theo nguồn ngân sách đã có cho sản xuất sản phẩm Halal bằng kinh phí sự nghiệp khoa học, khuyến nông; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách xúc tiến thương mại; quy định chính sách riêng, đặc thù cho đối tượng hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình, trong đó hỗ trợ phân tích theo tiêu chuẩn Halal và hỗ trợ một phần chi phí sản xuất giai đoạn chuyển đổi, chứng nhận, áp dụng tiến bộ công nghệ.

Giải pháp thực hiện chính sách: Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện cụ thể.

Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn giải pháp này với lý do tạo thêm động lực cho người sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ Halal, thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế Halal của Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD năm 2028 nhờ tăng trưởng quy mô dân số Hồi giáo, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với tốc độ khoảng 6-8%/năm.

Hiện nay, ở Việt Nam tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có khoảng 90.000 tín đồ Hồi giáo trong đó Hồi giáo (Islam) có trên 36.000 tín đồ, sinh sống tập trung ở 14 tỉnh, thành phố, trong đó đông nhất tại tỉnh An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, Ninh Thuận. Đã có 04 tổ chức Hồi giáo (Islam) được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu ở thị trường Halal.

Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và thuộc nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới. Du lịch Việt Nam có những thuận lợi về tài nguyên du lịch phong phú, khí hậu phù hợp và sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch đến từ các nước Hồi giáo.

Tại một số điểm đến du lịch chính của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương tập trung cộng đồng Hồi giáo cũng đã có một số doanh nghiệp quan tâm và đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du khách theo đạo Hồi. Một số khách sạn đã bố trí các phòng cầu nguyện, thực đơn Halal cho du khách.

Trước xu thế nhu cầu sử dụng, xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định sản phẩm, dịch vụ Halal đang là xu hướng phát triển chung và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Từ tình hình thực tiễn nêu trên, việc nghiên cứu, ban hành Nghị định quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Halal tại Việt Nam, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Mục đích xây dựng Nghị định quy định về quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal nhằm đảm bảo sự phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Quản lý chặt chẽ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh và chứng nhận sản phẩm, dịch vụ Halal giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và có thể truy xuất được nguồn gốc.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ Halal. Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam.

Tăng cường công tác đào tạo, hợp tác quốc tế về sản phẩm, dịch vụ Halal; nâng cao năng lực và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về sản phẩm, dịch vụ Halal; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định Luật Hồi giáo.

Xuân An

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/de-xuat-5-chinh-sach-quan-ly--phat-trien-san-pham--dich-vu-halal-123017.htm