Cơ hội gia tăng thị phần sản phẩm chế biến, chế tạo Việt Nam tại thị trường Australia

Hiện nay, tại Australia không khó để tìm thấy các sản phẩm chế biến, chế tạo 'Made in Vietnam'. Nhu cầu lớn, cùng với những ưu đãi của Hiệp định CPTPP và các FTA khác tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần nhóm hàng này tại Australia.

Australia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Đại Dương, chiếm tỷ trọng 88% xuất khẩu của Việt Nam đến châu Đại dương.

Quy mô thương mại song phương Australia - Việt Nam thời gian qua liên tục gia tăng mạnh mẽ nhờ khai thác các hiệp định thương mại đa phương mà hai nước là Thành viên. Trong đó, với cam kết giảm thuế quan đáng kể của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao.

Trong cơ cấu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia thì các mặt hàng thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo luôn là các mặt hàng chủ lực.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, tại thị trường Australia, các sản phẩm chế biến chế tạo Việt Nam như điện thoại, máy vi tính, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh… rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm “Made in Vietnam” thuộc nhóm ngành này trong các hệ thống siêu thị điện máy lớn của Australia như JB-HiFi, Harvey Norman, IKEA…

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia từ đầu năm 2024 tiếp tục tăng ấn tượng. Tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 571.233.699 triệu USD, tăng 30.7% so với tháng 6/2023; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tổng kim ngạch đạt 3,14 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, riêng kim ngạch 4 mặt hàng chế biến, chế tạo kim ngạch lớn nhất bao gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng đã chiếm tới 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong 6 tháng đầu năm 2024 (Số này chưa bao gồm một số mặt hàng sản phẩm khác cùng lĩnh vực có kim ngạch nhỏ hơn như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…).

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch của tất cả các mặt hàng này đều chứng kiến sự tăng trưởng tích cực, đặc biệt như máy móc, thiết bị, phụ tùng khác tăng 151,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 91,1%, các mặt hàng khác tăng trên 20%, dây cáp điện tăng đến 72%...

Về thuận lợi, theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, đây là quốc gia có nền kinh tế phát triển, thu nhập người dân cao, sức mua lớn, tăng trưởng dần phục hồi. Nhu cầu thị trường Australia đối với sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo rất lớn. Thống kê năm 2023 Australia nhập khẩu trên 130 tỷ USD các sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc trang thiết bị, phương tiện vận tải; đây là tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Một thuận lợi nữa là quan hệ song phương Việt Nam - Australia đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chính trị, kinh tế - thương mại. Tháng 3/2024, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra triển vọng tiếp túc thúc đẩy thương mại thời gian tới.

Hiệu quả của các hiệp định thương mại tự do được phát huy, đặc biệt là 03 Hiệp định FTA quan trọng (CPTPP, RCEP, AANZFTA) khi Việt Nam và Australia đều là thành viên với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan khi thuế suất hầu hết các mặt hàng xuất khẩu vào Úc đều đã về mức 0%. Sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam tương đối đa dạng, đã khẳng định được chất lượng, giá trị nhập khẩu vào Australia ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu như miễn thuế xuất khẩu, cho phép tiếp cận nguồn vốn kinh doanh lãi suất thấp, thông tin, chính sách…

Bộ Công Thương và các đơn trực thuộc (Vụ Thị trường Á - Phi, Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu…) và Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia luôn sẵn sàng cung cấp các thông tin cần thiết về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại thị trường này.

Về khó khăn, tiêu chuẩn thị trường cao, nghiêm ngặt. Tại thị trường Australia có các quy định, rào cản kỹ thuật, rất khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Mặc dù lạm phát tại Australia hạ nhiệt nhưng chi phí sinh hoạt còn ở mức cao, đặc biệt thị trưởng nhà ở tại Australia gặp khủng hoảng khi giá quá cao, người dân chi 40% - 50% thu nhập cho vấn đề nhà ở, phần nào ảnh hưởng tới sức mua.

Trên thị trường, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh về chế biến chế tạo như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản….

Việt Nam cũng không phải là đối tác FTA duy nhất của Australia; hiện tại Australia có tới 11 FTA đã có hiệu lực với 20 đối tác, 9 FTA khác đang đàm phán hoặc chưa có hiệu lực với 14 đối tác mới (trong đó có EU); các FTA đều mang lại nhiều ưu đãi cho các đối tác khác của Australia.

Đặc điểm nhu cầu tiêu dùng người dân Australia chú trọng chất lượng sản phẩm với xu hướng đáng chú ý là sản phẩm tiêu dùng được đánh giá dựa trên tiêu chí “giá trị của đồng tiền” hơn là tiêu chí về giá. Chính vì vậy, nếu muốn phát triển tại thị trường Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp cần tích cực đầu tư nguồn lực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt bố trí tham gia các sự kiện hội chợ uy tín của Úc liên quan tới các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như Hội chợ đồ nội thất, hội chợ đồ điện tử, công nghệ…

Việc tham gia các hội chợ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận hàng nghìn đối tác, nhà nhập khẩu, đồng thời nắm bắt được các xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị hiếu thị trường…

Tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA, trong đó tập trung vào 03 FTA mà Việt Nam và Australia đều là thành viên với những ưu đãi về thuế quan. Tham gia các FTA sẽ tạo những cơ hội mới, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới mới, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị để nắm bắt cơ hội. Nghiên cứu, tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các Bộ, ngành góp phần tăng cường năng lực, giảm thiểu chi phí.

Tăng cường hoạt động kết nối thông qua các Hiệp hội, tham gia mạng lưới Hiệp hội mạnh để tận dụng sức mạnh tổng hợp các nguồn lực đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn từ các nước. Thường xuyên, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, các chính sách mới của cơ quan chức năng liên quan tới sản phẩm xuất khẩu. Thông tin này doanh nghiệp có thể tự tìm hiểu hoặc liên hệ với Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia để nhận được những cập nhật mới nhất.

Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp phụ trợ là hoạt động được Thương vụ Việt Nam tại Australia chú trọng. Trong năm 2023, Thương vụ có chương trình thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng ngành công nghệ phụ trợ. Ví dụ như, trong lĩnh vực dệt may, nhờ công tác dự báo nên Thương vụ đã thực hiện giới thiệu quảng bá nguyên vật liệu của của ngành dệt may Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Nguồn hàng toàn cầu tại Australia, kết quả, năm 2023 xuất khẩu dệt may Việt Nam nói chung giảm nhưng riêng thị trường Australia vẫn tăng trưởng. Cũng trong năm 2023, Thương vụ đã tư vấn các doanh nghiệp cơ khí, doanh nghiệp về năng lương tham gia vào thị trường Úc thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế, hoặc đặt lịch các buổi tư vấn chuyên sâu do Thương vụ thực hiện với từng doanh nghiệp...

Trong năm 2024, Thương vụ tiếp tục giới thiệu tại các Hội chợ quốc tế về dệt may, giày da, công nghệ thực phẩm, về chương trình giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm xanh Việt Nam, vật liệu xây dựng..

Tham tán thương mại Nguyễn Phú Hòa, Thương vụ Việt Nam tại Australia

Bài: Hoàng Phương
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/magazine/emagazine--co-hoi-gia-tang-thi-phan-san-pham-che-bien--che-tao-viet-nam-tai-thi-truong-australia-129821.htm