Đề xuất bảo lưu tiền lương trong 6 tháng, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ sau sáp nhập
Tại dự thảo nghị quyết, Bộ Nội vụ đề xuất bảo lưu tiền lương trong sáu tháng kể từ khi sáp nhập đối với lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã.
Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) vừa được hoàn tất, Bộ Nội vụ đã đề ra nguyên tắc đảm bảo chế độ, quyền lợi cho cán bộ bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập xã, tỉnh.
Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các tỉnh trước sắp xếp.
Tổng số cán bộ của xã mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ có mặt tại các xã trước sắp xếp và số lượng cán bộ cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại xã mới.
Cạnh đó, tổng số lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các cơ quan, tổ chức ở tỉnh trước sắp xếp. Số lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, tổ chức ở xã mới thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Con số này phải giảm dần trong thời gian 5 năm sau khi sắp xếp, tính từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Cán bộ đang hướng dẫn cho người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Liên quan đến chế độ, dự thảo đề xuất bảo lưu chế độ, tiền lương và phụ cấp (nếu có) trong thời gian 6 tháng kể từ khi sắp xếp đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Chính sách này được áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp tỉnh, huyện, xã được bố trí làm việc tại các ĐVHC mới sau sắp xếp.
Sau thời hạn này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ theo vị trí việc làm mới phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với các chế độ, chính sách đặc thù theo vùng, khu vực và theo ĐVHC cũng được quy định theo hướng giữ nguyên như trước thời điểm sắp xếp. Sau sắp xếp, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định liên quan cho phù hợp với tình hình mới.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách tinh giản biên chế bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ chịu tác động bởi sắp xếp đơn vị hành chính.
Về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công, dự thảo nêu rõ chính quyền địa phương nơi dự kiến bố trí trụ sở hành chính của ĐVHC mới sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng.
Cùng đó, các địa phương cũng cần có trách nhiệm quan tâm bố trí nhà ở công vụ cho đội ngũ cán bộ của các ĐVHC cùng sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại ĐVHC mới sau sắp xếp.
Trong thời hạn năm năm kể từ ngày các nghị quyết có hiệu lực thi hành, các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại ĐVHC sau sắp xếp.