Đề xuất bắt buộc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng

Bộ Công thương đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó đề xuất áp dụng bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với vật liệu xây dựng.

Khuyến khích mã hóa nhãn bằng QR code

Đề xuất được đưa vào Khoản 2, Điều 37 của dự thảo luật và nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội. Mục tiêu là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, mà còn tạo ra một thị trường minh bạch, thúc đẩy đổi mới công nghệ trong ngành xây dựng.

Việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, mà còn tạo ra một thị trường minh bạch, thúc đẩy đổi mới công nghệ trong ngành xây dựng.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh).

"Tôi từng dự hội thảo tại một tòa nhà lắp kính kém chất lượng, bên ngoài trời mát mà điều hòa vẫn chạy hết công suất. Nếu dùng kính đạt chuẩn có nhãn năng lượng, sẽ tiết kiệm biết bao chi phí".

Theo đó, cơ sở sản xuất tự dán nhãn dựa trên bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng quốc gia.

Cơ quan quản lý cũng khuyến khích mã hóa nhãn bằng QR code để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu hiệu suất qua điện thoại.

Sau khi luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành lộ trình cụ thể theo hai giai đoạn: giai đoạn đầu áp dụng bắt buộc đối với các loại vật liệu tiêu thụ điện lớn như kính xây dựng, vật liệu cách nhiệt, vật liệu chống nóng.

Giai đoạn 2 mở rộng sang các nhóm vật liệu xây dựng khác, đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế với phương thức áp dụng dựa trên dự thảo luật hướng đến việc trao quyền và trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia năng lượng, việc dán nhãn không chỉ giúp người dân biết và chọn đúng vật liệu tiết kiệm điện, mà còn thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường khi buộc nhà sản xuất cải tiến công nghệ, góp phần vào chuyển đổi xanh của ngành xây dựng.

Hậu kiểm kèm chế tài

Ngành xây dựng đang "ngốn" điện nhiều nhất trên thế giới, chiếm hơn 36% tổng tiêu thụ năng lượng và hơn 40% lượng phát thải CO₂ toàn cầu. Ở Việt Nam, hơn 60% điện năng trong công trình dùng cho điều hòa và chiếu sáng.

Theo cơ quan soạn thảo, toàn bộ hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám sát sẽ được xã hội hóa trên quy mô áp dụng với toàn ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là các loại sử dụng trong công trình trọng điểm quốc gia, các dự án thương mại, nhà ở cao tầng, các công trình tiêu thụ điện năng lớn.

Việc dán nhãn năng lượng sẽ là tiêu chí bắt buộc trong quy hoạch và đầu tư xây dựng mới.

Chế tài xử lý được dự thảo luật bổ sung quy định rõ ràng về hậu kiểm và xử phạt như: Xử phạt hành chính với hành vi không dán nhãn, dán sai hoặc gian lận nhãn; thu hồi sản phẩm, ngừng lưu thông hoặc công khai vi phạm...

Bên cạnh dán nhãn, dự thảo cũng thúc đẩy mô hình ESCO – doanh nghiệp dịch vụ năng lượng, thông qua việc thành lập quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Quỹ sẽ vận hành theo hình thức ủy thác tín dụng qua ngân hàng doanh nghiệp ESCO có thể tiếp cận vốn ưu đãi và bảo lãnh tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Đồng thời được miễn, giảm thuế nếu thực hiện dự án hiệu quả

Một chuyên gia năng lượng cho rằng: Mỗi viên gạch, tấm kính trên thị trường trong tương lai sẽ không chỉ có giá thành mà còn có trách nhiệm với môi trường và hóa đơn tiền điện của người dân.

Mộc Miên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/de-xuat-bat-buoc-dan-nhan-nang-luong-cho-vat-lieu-xay-dung-192250528170252154.htm