Đề xuất bình đẳng giới trong ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Tại hội thảo quốc tế 'Sẵn sàng cho COP25' được tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhóm công tác về biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đề xuất Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh việc đưa bình đẳng giới vào các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phạm Văn Tấn phát biểu tại hội thảo quốc tế "Sẵn sàng cho COP25".

Hội thảo quốc tế "Sẵn sàng cho COP25" do nhóm công tác về BĐKH (CCWG), Quỹ bảo tồn thiên nhiên WWF Vietnam, Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp tổ chức.

Mục đích chính của hội thảo là tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội với Chính phủ Việt Nam trong quá trình rà soát đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và thúc đẩy vấn đề giới trong thực hiện NDC nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện Hiệp định Paris.

Hiện nay, bình đẳng giới và BĐKH ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, là một chủ đề được thảo luận liên tục tại các hội nghị COP kể từ năm 2012. Năm 2016 đã có 64 trong số 190 quốc gia đề cập đến vấn đề phụ nữ, hoặc bình đẳng giới trong NDC của họ.

Tại hội thảo lần này, CCWG đưa ra đề xuất Chính phủ Việt Nam ghi nhận vai trò của phụ nữ là tác nhân tạo thay đổi trong ứng phó với BĐKH, thay vì chỉ coi họ là đối tượng dễ bị tổn thương như hiện nay.

Bà Chu Thanh Hương đến từ Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ về bình đẳng giới trong đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

NDC là báo cáo thể hiện cam kết và chính sách của Chính phủ các nước thành viên Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015 trong cắt giảm khí thải nhà kính, ứng phó với BĐKH. Nhưng bình đẳng giới vẫn chưa được xem xét toàn diện trong NDC mà Việt Nam công bố vào năm 2016. Chính vì vậy, CCWG có đề xuất vấn đề bình đẳng giới cần được lồng ghép vào quá trình rà soát và cập nhật báo cáo NDC dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2020.

Theo đánh giá của CCWG, đây là việc làm cần thiết vì phụ nữ thường chịu nhiều tác động bất lợi của BĐKH hơn so với nam giới. Ví dụ, do đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong hoạt động nông nghiệp, phụ nữ thường chịu nhiều gánh nặng hơn nam giới khi xảy ra hạn hán, lũ lụt và các loại hình thiên tai khác.

Mặt khác, mặc dù nhiều phụ nữ rất tích cực tham gia vào các hoạt động ứng phó với BĐKH nhưng cơ bản tiếng nói và tầm ảnh hưởng của họ đối với các quyết định liên quan đến quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH vẫn còn nhiều hạn chế.

Bà Yvonne Blos - Giám đốc dự án khí hậu Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) của Đức tại Việt Nam, chia sẻ về bình đẳng giới trong ứng phó BĐKH.

Bà Yvonne Blos - Giám đốc dự án khí hậu Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) của Đức tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi thấy một hiện tượng rất thú vị tại Việt Nam. Đó là nhiều phụ nữ tích cực trong chống BĐKH, vận động thực hiện các giải pháp năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường, tham gia và thậm chí lãnh đạo các tổ chức xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đó.

Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe và hỗ trợ họ tham gia vào cuộc thảo luận với các nhà hoạch định chính sách ở các cấp”.

Trong khi đó, CCWG khẳng định: “Các nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH sẽ không hiệu quả, hoặc thiếu tính bền vững nếu các vấn đề giới và xã hội không được quan tâm, coi trọng”.

Việt Nam cần lồng ghép bình đẳng giới vào báo cáo NDC như thế nào?

Tại hội thảo, CCWG đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào trong chính sách ứng phó với BĐKH của Việt Nam, nhất là bản cập nhật NDC lần này.

Theo đó, CCWG cho rằng cần đưa vấn đề bình đẳng giới vào trong tất cả các công việc liên quan đến BĐKH; bổ nhiệm đầu mối của cơ quan chuyên trách về sự bình đẳng giới của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) tham gia các bộ phận liên quan đến BĐKH, ví như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường chuyên môn về giới trong nội bộ các đơn vị liên quan; đảm bảo việc tiếp cận thông tin liên quan đến BĐKH và nâng cao năng lực thích ứng, đa dạng hóa sinh kế, khởi nghiệp của phụ nữ và người dân tộc thiểu số tại các khu vực liên quan đến BĐKH.

Hội thảo quốc tế Sẵn sàng cho COP25 có sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ các bộ, ngành của Việt Nam, các Đại sứ quán, các đối tác phát triển, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông.

CCWG đề xuất quá trình tổng hợp, lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá về khí hậu cần có sự tham gia của phụ nữ và tham khảo ý kiến của các tổ chức và nhóm chuyên gia, bao gồm các nhóm phụ nữ địa phương, Hội Phụ nữ, các tổ chức phi Chính phủ quốc tế, các nhà tài trợ, viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội khác.

Cuối cùng, CCWG đề nghị Chính phủ Việt Nam tiến hành các nghiên cứu cần thiết về giới để xây dựng căn cứ đưa ra các chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động giới và ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

Dịch Phong (Ảnh: CCWG)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/de-xuat-binh-dang-gioi-trong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-tai-viet-nam.html