Đề xuất Bộ GD&ĐT được bổ nhiệm nhân sự theo ngành dọc là kiến nghị hợp lý
Theo các chuyên gia, trao quyền quản lý nhân sự theo ngành dọc sẽ giúp Bộ GD&ĐT chủ động và thuận lợi hơn trong các hoạt động giáo dục.
Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực xã hội vừa rộng lớn, phức tạp, vừa liên quan đến mọi gia đình, nên bất cứ động thái nào của ngành đều thu hút sự quan tâm lớn của mọi tầng lớp trong xã hội. Có lẽ vì thế, khi có bất cập nào, chẳng hạn như sách giáo khoa thiếu, đắt, thay đổi; học phí tăng; hay thiếu giáo viên đứng lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học chưa đảm bảo... ngay lập tức, lại có người nhắc đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, trên thực tế, có những vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không được quyền tự quyết định như giáo viên và tài chính - có người từng ví von hình ảnh đó giống như Bộ trưởng là một vị tướng không có vũ khí, cũng không có cả quân lính. Điều đó đã đặt Bộ Giáo dục và Đào tạo vào một thế khó, bởi không chủ động được nguồn lực chủ yếu, sẽ dẫn đến nhiều thách thức hơn.
Trước thực tế trên, có ý kiến đề xuất giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo được quyền quyết định nhân sự quản lý theo ngành dọc (giống như thuế và hải quan - phóng viên), đã nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia.
Trong vai đi kiến nghị, đề xuất, rất khó chủ động
Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất giao quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng nhân sự theo ngành dọc.
Thiết kế: Thành An.
Nữ đại biểu lý giải, có lẽ, do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các vấn đề giáo dục và đào tạo, chịu trách nhiệm tổng thể giám sát sự phát triển của ngành, nên lâu nay, dư luận vẫn thường mặc định mọi hoạt động của ngành đều thuộc trách nhiệm của Bộ.
“Tôi lấy ví dụ, khi cơ sở xuống cấp, không được kịp thời tu bổ; khi hàng loạt nhà trường chưa đảm bảo được cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; hay khi xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương... dư luận cũng được phen “kêu trời” và thậm chí có nhiều người còn đặt dấu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Song, thực tế không hẳn như vậy! Giống như đã từng có lần, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phải chia sẻ: “Ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: Một là giáo viên, hai là tài chính. Cả hai điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn đi kiến nghị, đề xuất” (tại phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 19/10/2022 - phóng viên).
Và đúng là như vậy, thực tế, Bộ chỉ có quyền quyết định về chuyên môn; còn đối với các vấn đề như về tài chính và nhân sự, vẫn hoàn toàn bị động. Quả thực, một khi vẫn trong vai là người phải đi kiến nghị, đề xuất, thì luôn ở vị thế “lép vế”, không được chủ động” - nữ đại biểu bày tỏ đồng cảm với cái khó của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Một ví dụ nữa được nữ đại biểu đề cập: Những năm qua, tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học bậc tiểu học vẫn luôn là vấn đề đáng trăn trở, nhất là ở các xã, huyện vùng khó.
“Chẳng hạn như qua thông tin trên báo chí, tôi từng đọc được: Ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), có thời điểm chỉ có 1 giáo viên môn Tiếng Anh cho 73 lớp Tiếng Anh cấp tiểu học với 2.600 học sinh và tổng cộng 10.640 tiết học mỗi năm, nhưng Bộ trưởng cũng không thể điều thêm được dù chỉ 1 giáo viên...
Điều đó cho thấy, ngành giáo dục đứng trước muôn vàn khó khăn, mà không thể tự xoay trở được, vì vốn dĩ không có thẩm quyền” - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Đồng tình với những phân tích trên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ ý kiến đề xuất để cho ngành giáo dục và đào tạo được quyền quyết định nhân sự theo ngành dọc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, thì cũng phải có quyền được quyết định hoặc đề xuất nhân sự thuộc lĩnh vực của mình. Theo đó, phân cấp về phía các địa phương, sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cũng nên được trao quyền tương tự đối với nhân sự của ngành.
Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta đã có những quy định của liên ngành giữa ngành giáo dục và nội vụ, cũng như một số quy định khác. Ví dụ, ở cấp nhà nước, có những quy định, nghị định của Chính phủ quy định về việc phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Nội vụ; còn ở địa phương, có quy định của ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố đối với cơ quan nội vụ và giáo dục đào tạo về mặt nhân sự.
Thời gian qua, có lẽ vì không có quyền tự quyết định nhân sự, cũng phần nào khiến ngành giáo dục gặp khó trước “bài toán” thừa - thiếu giáo viên suốt nhiều năm qua.
Song, theo tôi, sở nội vụ, phòng nội vụ chỉ đứng ở góc độ nắm nhân sự chung của cả địa phương. Chẳng hạn, ngành nội vụ có thể cân đối xem có vượt quá biên chế chung của địa phương đó hay không, nhưng vẫn phải có ý kiến, vẫn cần tính tự chủ của ngành giáo dục và đào tạo trong đó”.
Về đề xuất giao quyền quyết định nhân sự theo ngành dọc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo một địa phương cũng chia sẻ: “Nếu đề xuất trên được xem xét, chắc chắn sẽ mang đến nhiều thuận lợi hơn cho ngành. Chẳng hạn, hiện nay, khi trên địa bàn tỉnh có huyện rất thiếu giáo viên (có môn thậm chí chỉ có 1-2 giáo viên, phải “chạy show” tăng tiết ở nhiều trường để khắc phục); có huyện khác lại đảm bảo ổn định giáo viên hơn (khéo sắp xếp thì cả huyện có thể sẽ dôi ra 1-2 giáo viên).
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền để điều động giáo viên. Chúng tôi phải làm việc với Sở Nội vụ, cùng bàn bạc, phân tích rồi đề đạt ý kiến lên Ủy ban nhân dân tỉnh để phê duyệt. Nhiều khi như vậy sẽ khiến việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên có phần chậm trễ hơn. Vậy, khi ngành giáo dục được chủ động nhân sự, việc này sẽ được thực hiện một cách kịp thời nhất”.
Muốn giáo dục chất lượng, ngành phải được quyền quyết định nhân sự
Từ những khó khăn trong thực tiễn, Đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng, đề xuất giao quyền quyết định nhân sự cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý theo ngành dọc, sẽ giúp ngành giáo dục và đào tạo chủ động hơn trong vấn đề nhân sự.
“Đây cũng là một trong những giải pháp giúp khắc phục những khó khăn, tồn tại hiện nay của ngành giáo dục và đào tạo. Khi có thể chủ động về con người, tôi tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai tốt hơn những nhiệm vụ của mình. Trong bất kỳ hoạt động nào, con người vẫn luôn là một yếu tố “then chốt”, đặc biệt, đối với ngành giáo dục, vai trò của người thầy, người cô lại càng không thể thay thế, thầy cô là “linh hồn” của hoạt động giáo dục. Và muốn đổi mới giáo dục có hiệu quả, cũng phải đi từ đội ngũ, từ nhân sự của ngành.
Hơn nữa, ngành giáo dục và đào tạo cũng nắm về chuyên môn, nên sẽ có thể nhìn ra những con người “đủ sức, đủ tầm” đảm đương nhiệm vụ. Vậy nên, muốn triển khai thật tốt và nâng cao chất lượng giáo dục, theo tôi, không gì hợp lý bằng việc trao quyền quyết định nhân sự cho chính ngành giáo dục tự cân đối, sắp xếp và bố trí đúng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ” - nữ đại biểu bày tỏ.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng: “Thực tế, công tác cán bộ là công tác của Đảng, tuy nhiên, qua tình hình thực tiễn thời gian qua, cho thấy, để công tác cán bộ thực sự mang lại hiệu quả, đối với một số lĩnh vực như văn hóa, giáo dục hay y tế, thì vấn đề chuyên môn là cực kỳ quan trọng.
Phải chọn làm sao được những người vừa có tâm, vừa có tầm, đó là một chuyện không hề đơn giản. Theo tôi, đề xuất cho Bộ Giáo dục và Đào tạo được đề bạt, quản lý cán bộ là chuyện rất đáng lưu tâm trong tình hình hiện nay, khi chúng ta đề cao chất lượng lên hàng đầu. Tôi đề nghị xem xét, làm sao trao quyền và để Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện rõ trách nhiệm hơn nữa.
Ngoài ra, về phía các địa phương, nếu sở, phòng giáo dục và đào tạo được trao quyền quyết định nhân sự, sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho ngành. Hiện nay, mỗi tỉnh thành nhìn nhận công tác cán bộ và giải quyết theo một góc, mà không có cái nhìn tổng quan trong toàn quốc. Nên tôi đồng tình và ủng hộ với đề xuất cho ngành giáo dục quản lý nhân sự theo ngành dọc. Vấn đề này cần được xem xét và thống nhất chủ trương, từ chủ trương sẽ nghiên cứu cần sửa đổi, điều chỉnh những văn bản quy định nào để thực hiện”.
Thiết kế: Thành An.
Cũng theo ông Nguyễn Túc, để làm được như vậy, ngành giáo dục và đào tạo cũng cần học tập mô hình, cơ cấu tổ chức như các ngành đặc thù (quân đội, công an).
Nghiên cứu thật kỹ, vướng ở đâu, sửa ở đó
Đại biểu Hồ Thị Minh cũng đề cập: “Khi giao quyền quyết định nhân sự cho ngành giáo dục, đồng nghĩa với việc đi liền với các quyết định về tài chính, chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, ưu đãi cho nhân sự ngành... Chính vì vậy, cần nghiên cứu thật kỹ đề xuất trên.
Thực sự cần thiết, chúng ta sẵn sàng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tạo thuận lợi cho cơ chế, để ngành giáo dục thực sự được chủ động. Theo tôi, bên cạnh việc sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cũng cần sửa Luật Giáo dục, Luật Viên chức,... để thay đổi cơ cấu tổ chức, thay đổi cơ chế vận hành và quản lý ngành giáo dục. Có như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng những chuyển biến tích cực hơn trong ngành”.
Thiết kế: Thành An.
Ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, ý kiến đề xuất trên là rất hợp lý, để ngành giáo dục đào tạo có thể tự chủ, chủ động hơn, hoạt động hiệu quả hơn”.
“Vì lâu nay đã có những quy định “cứng” như thế, nên bây giờ phải kiến nghị để sửa đổi những quy định này.
Theo tôi, trước hết, ngành giáo dục đào tạo có thể kiến nghị lại với các địa phương, để tạo điều kiện tốt hơn cho ngành giáo dục đào tạo tham gia sâu hơn và rộng hơn, như có tiếng nói chủ động hơn trong việc quyết định về mặt nhân sự.
Việc này sẽ là một việc tốt. Vì vậy, vướng ở đâu, có thể sửa ở đó. Tuy nhiên, phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, để xem sửa theo hướng nào sẽ thuận lợi và tốt hơn?
Cá nhân tôi ủng hộ theo hướng sửa để cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có quyền chủ động hơn.
Đầu tiên, phải sửa Luật Giáo dục. Sau đó, sửa các nghị định hướng dẫn của Chính phủ về việc này, sửa các thông tư liên ngành, liên bộ, giữa nội vụ và giáo dục đào tạo...
Và nếu đã sửa, thì phải sửa đồng bộ. Nếu cần, phải sửa luôn Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là những căn cứ pháp lý để ràng buộc những vấn đề mà chúng ta vừa trao đổi. Bởi vì để có cơ chế tương tự như ngành thuế hay hải quan, cũng cần cơ cấu lại tổ chức, sẽ hơi khác so với hiện tại.
Đặc biệt, quan trọng nhất là phải có cái ý kiến đề xuất của chính ngành giáo dục đối với cơ quan quản lý nhà nước. Ngành giáo dục đào tạo phải kiến nghị những vấn đề cần phải đổi mới đối với cơ quan xây dựng và thông qua luật, đó là kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội”.