Đề xuất bỏ niên hạn đầu máy, toa xe đường sắt: Phải thượng tôn pháp luật
Liên quan tới đề xuất bỏ quy định niên hạn đối với đầu máy, toa xe được ngành đường sắt đưa ra, các chuyên gia chung nhận định, tất cả phải thượng tôn pháp luật, không thể vì vấn đề kinh tế mà đánh đổi tính mạng, sự an toàn của người dân.
Hiện những thông tin về việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất bỏ quy định niên hạn đối với phương tiện giao thông đường sắt (gồm các đầu máy và toa xe) đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, trong đó có các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực giao thông và kinh tế.
Điệp khúc kêu khó
Câu chuyện liên quan đến niên hạn của đầu máy, toa xe đường sắt không phải đến bây giờ mới được nhắc đến. Còn nhớ, đầu tháng 6/2018, Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra cảnh báo cho ngành đường sắt rằng 1/7/2018, sẽ có gần 100 đầu máy, 200 toa tàu khách và gần 1.000 toa tàu hàng bị loại bỏ vì quá hạn sử dụng.
Theo lý giải của Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc loại bỏ này thực hiện theo quy định của Luật Đường sắt. Cụ thể, đầu máy và toa tàu khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa hàng sử dụng tối đa 45 năm; các DN vận tải đường sắt có thời hạn 3 năm (tới năm 2021) để thay thế các phương tiện quá niên hạn. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm, kỳ hạn đăng kiểm hiện hành với đầu máy tàu là 18 tháng, toa tàu khách là 14 tháng (nếu vận hành dưới 30 năm); trên 30 năm thì thời hạn đăng kiểm lần lượt là 15 tháng và 12 tháng. Đồng thời, trước và sau mỗi khi đoàn tàu được khai thác, các bộ phận kỹ thuật của ngành đường sắt phải rà soát, kiểm tra độ an toàn của thiết bị.
Cục Đăng kiểm Việt Nam không quên nhắc nhở ngành đường sắt rằng, các vụ tai nạn đường sắt khi xảy ra, ngành đăng kiểm chỉ chịu trách nhiệm chứng nhận chất lượng phương tiện đường sắt tại thời điểm đăng kiểm còn quá trình khai thác phương tiện, bốc xếp hàng hóa... tác động tới an toàn phương tiện, đơn vị khai thác phải chịu trách nhiệm.
Vào thời điểm đó, đại diện Vụ ATGT, Bộ GTVT khẳng định, dù thực tế là phương tiện đường sắt đang rất cũ, lạc hậu và việc bảo dưỡng sửa chữa khó khăn nhưng phương tiện giao thông đường sắt vẫn buộc phải đổi mới theo Luật Đường sắt. Điều này đồng nghĩa với việc ngành đường sắt sẽ phải bỏ 1/3 số đầu máy, bỏ đi 1/5 số toa xe hàng và xe khách.
Thời hạn 1/7/2018 đi qua, câu chuyện hàng trăm đầu máy, toa xe đường sắt hết niên hạn vẫn chưa đi đến hồi kết. Nguyên nhân bởi trong Nghị định 65, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt có hiệu lực từ 1/7/2018 có đưa ra lộ trình các DN vận tải đường sắt có thời hạn 3 năm (tới năm 2021) để thay thế các phương tiện quá niên hạn. Năm 2020, lãnh đạo VNR đăng đàn cho biết, nếu đóng mới hoàn toàn để thay thế toa xe hết niên hạn, các DN vận tải đường sắt sẽ phải chịu áp lực về vốn và chi phí tài chính.
Theo lãnh đạo VNR, DN này và các công ty vận tải đường sắt sẽ gặp khó khăn lớn khi phải huy động khoảng 6.822,8 tỷ đồng để đầu tư mới bù đắp phương tiện phải loại bỏ theo quy định mà không được hưởng các ưu đãi về lãi suất vay. Tiếp đó, năm 2021, cũng với lý do khó khăn tài chính, VNR kiến nghị Bộ GTVT cho phép chuyển đổi gần 180 toa xe hết niên hạn theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP thành toa xe chuyên dùng.
Và mới nhất, câu chuyện niên hạn hàng trăm đầu máy, toa xe ngành đường sắt tiếp tục lặp lại trong thời gian qua nhưng lần này đề xuất của VNR táo bạo hơn khi họ muốn Bộ GTVT báo cáo Quốc hội xem xét sửa Luật Đường sắt 2017 theo hướng bỏ quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt và trong thời gian chờ Luật Đường sắt sửa đổi thì không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng này nữa. Trước đó, Chính phủ đã thêm một lần nữa tạo điều kiện cho ngành đường sắt khi ban hành Nghị định 01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018. Trong đó, nổi bật là cho phép kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe) đến năm 2025.
Không thể đánh đổi
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho biết, niên hạn sử dụng đối với đường sắt đã được quy định rất rõ trong các văn bản pháp quy hiện hành, đó là Luật Đường sắt năm 2017 và Nghị định 65/2018 của Chính phủ (mới nhất là Nghị định 01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65). “Đầu tiên phải khẳng định, đã là luật thì phải thi hành để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Còn những câu chuyện kinh tế nói đến sau. Không thể vì kinh tế mà vi phạm pháp luật được” – TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định.
Về ý kiến của lãnh đạo VNR khi cho rằng quy định về niên hạn đầu máy, toa xe sử dụng 40 - 45 năm sẽ mất an toàn là không có cơ sở, TS Nguyễn Hữu Đức đặt câu hỏi: Tại sao lúc làm nghị định không nghiên cứu cơ sở đó? Chuyên gia giao thông này nhấn mạnh, ngành đường sắt đang rất khó khăn nhưng xét về nhiều mặt thì không thể chấp nhận đề nghị của ngành này được bởi sẽ tạo thành tiền lệ xấu. “Đường sắt phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước dân. Trước hết là chấp hành luật pháp. Mặt khác cũng phải đảm bảo an toàn” – TS Nguyễn Hữu Đức nói và khẳng định, cả hai yếu tố chấp hành pháp luật và đảm bảo an toàn đều quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn phải là thượng tôn pháp luật.
Đồng quan điểm phủ định với đề xuất bỏ niên hạn đầu máy, toa xe của ngành đường sắt, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, đối với lĩnh vực giao thông nói chung và đường sắt nói riêng, yếu tố an toàn là vô cùng quan trọng. Từ nhận định trên soi vào đề xuất của VNR, chuyên gia kinh tế này cho rằng, ngành đường sắt không thể vì khó khăn kinh tế mà để mất an toàn. Bởi một khi mất an toàn xảy ra, tai nạn xảy ra, hệ lụy mà chính ngành đường sắt phải chịu là rất lớn.
“Đầu tiên là uy tín của ngành đường sắt. Mất uy tín với người dân, mất uy tín với quốc tế. Lúc đó mọi người sẽ nói ngành đường sắt chỉ quan tâm đến mục đích kinh doanh mà bỏ qua vấn đề dân sinh, an toàn của hành khách. Thứ hai là thiệt hại về người, về tài sản.
PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế
Về vấn đề khó khăn của ngành đường sắt ai cũng biết, đây là điều được nói đến rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, không thể vì vấn đề kinh tế mà thay đổi, phải thượng tôn pháp luật. Không thể hy sinh kinh tế để vi phạm pháp luật được. Liên quan đến câu chuyện niên hạn đầu máy, toa xe của ngành đường sắt, trong thời gian qua, Chính phủ đã từng gia hạn một lần để ngành đường sắt có thêm điều kiện thực hiện rồi.