Đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con: Ủng hộ có, lo ngại có!
Thông tin về đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con được đông đảo bạn đọc ủng hộ.
Pháp Luật TP.HCM vừa có bài viết: “Đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1-2 con là hợp lý” ghi nhận về thông tin đề xuất bỏ quy định sinh 1-2 con trong hội thảo được Bộ Y tế tổ chức vào 6-8.
Thông tin này đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ bạn đọc. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến quan ngại khi điều này có khả năng làm cho tỉ lệ sinh tăng cao, dẫn đến những áp lực cho xã hội nếu không có chính sách tốt từ nhà nước.
Ý kiến của một số bạn đọc xung quanh thông tin này:
Ủng hộ trong thời điểm dân số già hóa
“Tôi ủng hộ đề xuất này! Các gia đình có điều kiện họ có thể sinh thêm, gia đình khó khăn trong kinh tế, điều kiện chăm sóc họ có thể dừng lại ở mức đủ. Như vậy sẽ bù trừ cân đối vào tỉ lệ chung”, bạn đọc Linh Đan bày tỏ.
“Thời gian qua có rất nhiều công chức nữ sinh 3 con trở lên bị cấp trên đơn vị họp kiểm điểm phê bình kỷ luật và khóc trước tập thể đông người do không chịu đựng áp lực bị nói nặng nhẹ. Mỗi lần họp là phê phán thậm tệ lập đi lập lại nhiều lần làm cho họ bị shock, trầm cảm gặp ai cũng khóc mỗi khi bị đồng nghiệp nhắc chuyện sinh 3 dẫn đến không làm được việc luôn! Giờ mà bớt nặng nhẹ được chuyện này thì đỡ biết mấy”, bạn đọc Hương Nguyễn bộc bạch.
“Với tôi, việc đề xuất bỏ quy định là rất hợp lý, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay. Dân số Việt Nam rất đông, tuy nhiên trong đó tỉ lệ sinh lại đang đi xuống. Nếu cứ để lâu dài như thế này, chắc chắn dân số Việt Nam sẽ bị già hóa, điều mà ở Nhật Bản hay các nước châu Âu đang gặp phải và không tìm được nguồn lao động thay thế phù hợp. Vì thế, tôi hoàn ủng hộ đề xuất này!”, bạn đọc Võ Minh phân tích.
Sinh thêm là gia tăng áp lực cho gia đình và xã hội
“Với chính sách còn bất cập và gánh nặng về kinh tế (giáo dục, y tế ...) còn nhiều thì làm sao gia đình trẻ với thu nhập trung bình có thể sinh con thoải mái cho được. Thiết nghĩ, nếu chính sách miễn 100% chi phí giáo dục và y tế cho trẻ từ 0-15 tuổi (tức là hết cấp THCS) thì gánh nặng đó sẽ được tháo gỡ ngay thôi. Sau khi hoàn thành cấp 2, gia đình các cháu có thể đóng tiền để học THPT và đại học, còn không đủ sức thì chuyển đổi sang học nghề cũng tốt”, bạn đọc Khoa Nguyễn góp ý.
“Chi phí ở những thành phố lớn như TP.HCM là một gánh nặng đang đè lên vai người trụ cột trong gia đình. Chi phí hàng ngày đã tăng cao còn thêm gánh nặng tiền nhà, điện, nước hàng tháng (nếu không dùng internet), truyền hình... Nếu có gia đình thì gánh nặng ấy tăng gấp đôi, thêm con nhỏ thì phải gấp ba gấp 4 lần. Rồi tới lúc bọn trẻ lần lượt đi học lại dính học phí, mua sắm, học thêm,… bao nhiêu thứ phải lo. Với những người giàu thì không nói, những người có thu nhập trung bình thì sao họ dám sinh?”, bạn đọc Minh Nguyễn thắc mắc.
“Vợ chồng son thêm đứa con thành 4, gánh nặng kinh tế lo cho gia đình trong thời gian người vợ mới sinh thường đè nặng lên vai người chồng trong ít nhất 1 năm đầu tiên. Sau đó họ sẽ phải giải quyết vấn đề gửi trẻ tại hay thuê người giúp việc. Nếu thuần túy làm công ăn lương như công nhân, nhân viên nhà nước mới đi làm sẽ khá khó khăn về kinh tế. Ngoài ra, nếu chi phí trả cho người giúp việc xấp xỉ hoặc cao hơn thu nhập người vợ thì có khả năng họ nghỉ làm trông con và gánh nặng kinh tế tiếp tục đè lên vai người chồng. Hơn nữa, việc thiếu các cơ sở mẫu giáo công lập nhận trông trẻ từ 12 tháng tuổi là một thách thức lớn cho các cặp vợ chồng trẻ sống độc lập (không ở chung với ông bà), cần sớm có chính sách hỗ trợ của nhà nước chứ nếu không thì họ lại có suy nghĩ chả cần phải sinh con”, bạn đọc Trần Loan chia sẻ.
Thời gian qua, công tác dân số của Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn. Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số.
Hiện tốc độ tăng dân số là 1,05%/năm, thấp xa so với 3-4 thập kỷ trước đây (trên dưới 3%/năm) và ở mức rất thấp so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng dân số năm 2022 là 0,98% và năm 2023 là 0,84%.
Kết quả công tác dân số cũng đã làm tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người, an ninh lương thực được đảm bảo, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.