Đề xuất bổ sung các trường hợp Việt Nam được từ chối dẫn độ
Bộ Công an đề xuất bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thông lệ hoặc pháp luật quốc tế.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ do Bộ Công an xây dựng trên cơ sở tách từ Luật tương trợ tư pháp (TTTP) 2007.
Tờ trình của Bộ Công an nêu: Việt Nam trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người từ ngày 7-3-2015.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Công ước này, các Quốc gia thành viên không được trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ một người cho một Quốc gia khác nếu có đủ căn cứ để tin rằng người này có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở Quốc gia đó. Tuy nhiên, Luật TTTP chưa có quy định về việc từ chối dẫn độ trong trường hợp có đủ căn cứ để tin rằng người bị yêu cầu dẫn độ có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở quốc gia yêu cầu.
Cùng đó, theo quy định của các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, các quốc gia thường từ chối dẫn độ trong trường hợp tội phạm được yêu cầu dẫn độ được xác định là tội phạm chính trị hoặc tội phạm quân sự. Hiện, Luật TTTP chưa có quy định cụ thể về trường hợp này cũng như căn cứ để xác định tội phạm chính trị, tội phạm quân sự. Do vậy, khi nhận được yêu cầu dẫn độ có liên quan đến tội phạm chính trị, quân sự, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chắc chắn sẽ gặp lúng túng.
Ngoài ra, trường hợp có thể từ chối dẫn độ quy định tại Điều 35 Luật TTTP (hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của BLHS Việt Nam) trên thực tế phải là trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ.
Về nguyên tắc, một người chỉ có thể bị dẫn độ nếu hành vi phạm tội mà người đó bị cáo buộc thực hiện cấu thành tội phạm theo pháp luật của Việt Nam và quốc gia yêu cầu (bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép).
Do đó, trường hợp hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của BLHS Việt Nam thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải từ chối dẫn độ. Việc quy định đây là trường hợp có thể từ chối dẫn độ là chưa phù hợp và mâu thuẫn với chính quy định Điều 33 Luật TTTP (các trường hợp bị dẫn độ).
Cạnh đó, Luật TTTP không quy định cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng nào có thẩm quyền từ chối dẫn độ.
Theo các quy định của Luật TTTP 2007, chỉ có TAND cấp tỉnh có thẩm quyền được ra quyết định từ chối dẫn độ. Việc này sẽ dẫn đến trường hợp khi Bộ Công an tiếp nhận và kiểm tra yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, mặc dù biết rõ yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ theo quy định của điều ước quốc tế hoặc pháp luật Việt Nam nhưng vẫn phải làm các thủ tục chuyển hồ sơ đến TAND cấp tỉnh để giải quyết theo trình tự, gây lãng phí không cần thiết.
Từ đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước chống tra tấn) hoặc theo thông lệ hoặc pháp luật quốc tế (tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự, tội phạm không bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép).
Cụ thể, bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ nhằm bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế. Đồng thời, bổ sung quy định về thẩm quyền của Bộ Công an từ chối dẫn độ trong trường hợp yêu cầu dẫn độ thuộc các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ.
Bổ sung quy định về các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ. Một là, người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị hoặc vì lý do khác. Hai là, hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Bổ sung quy định về trường hợp có thể từ chối dẫn độ, gồm tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự.
Bổ sung quy định về trường hợp nếu có căn cứ chắc chắn người bị yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ thì cơ quan trung ương của Việt Nam sẽ ra quyết định từ chối dẫn độ mà không cần TAND có thẩm quyền xem xét, thụ lý hồ sơ.
Liên quan đến việc thực hiện yêu cầu về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, theo số liệu của Bộ Công an, năm 2023 Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ.
Bộ Công an cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao hai đối tượng yêu cầu dẫn độ cho Liên bang Nga.