Đề xuất bổ sung đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt tại địa phương trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật sáng 16/5, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung các đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt tại địa phương, qua đó tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Toàn cảnh Phiên họp
Sáng 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Các ý kiến nhận thấy, dự thảo Nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Các cơ chế, chính sách đặc biệt sẽ tạo động lực mới để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.
Bổ sung đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt tại địa phương
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt. Các ý kiến cho rằng, cần bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách theo dự thảo Nghị quyết phù hợp với thực tế công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, việc xác định đối tượng phải được rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đầy đủ đối tượng và vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt tại địa phương gồm: ĐBQH chuyên trách, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại địa phương; Công chức văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp ĐBQH, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc trực tiếp cho các Ban của HĐND cấp tỉnh tại Phụ lục I ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, về mức hưởng chính sách, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị xem xét quy định nguyên tắc mức hưởng hỗ trợ tương ứng với khả năng, kinh nghiệm công tác trong hoạt động xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật. Đại biểu cho rằng, việc hưởng như nhau là không phù hợp.
Đồng tình với quan điểm nêu trên và cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng góp ý về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật quy định tại Điều 7 của dự thảo. Theo đó, tại khoản 1 Điều 7 quy định người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị… Tại mục 6 Phục lục I danh mục cơ quan, đơn vị có đối tượng được hỗ trợ hàng tháng trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm 2 đối tượng:

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Đối tượng thứ nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách và công chức hoạt động chuyên trách HĐND tỉnh, của Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội vì họ cũng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo lĩnh vực được phân công. Đối tượng thứ hai là Chánh Văn phòng phụ trách lĩnh vực công tác Quốc hội và công chức phòng Công tác Quốc hội.
Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, các đối tượng trên là đúng và trúng với với quy định tại khoản 5 xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của pháp luật tại Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị, trong đó có quy định hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp thường xuyên làm công tác tham mưu, nghiên cứu chiến lược, chính sách xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị. Vì vậy, tại mục 6 Phục lục I danh mục cơ quan, đơn vị có đối tượng được hỗ trợ hàng tháng trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm 2 đối tượng nêu trên.
Cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách
Góp ý về việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách, hoạt động không vì lợi nhuận tại Điều 6 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận thấy, việc thành lập Quỹ này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính linh hoạt, hỗ trợ kịp thời cho những đề án, dự án không được nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách. “Thực tế cho thấy, chúng ta đã thành lập một số Quỹ ngoài ngân sách nhưng việc huy động nguồn lực rất khó khăn và công tác triển khai sử dụng nguồn kinh phí của một số Quỹ cũng chưa thực sự hiệu quả. Hơn nữa, việc vận động đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật thường khó cạnh tranh so với các lĩnh vực xã hội dễ thu hút tài trợ hơn như y tế, giáo dục, môi trường…”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần xem xét nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng, hợp lý hơn về tỷ lệ và giới hạn sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ so với nguồn ngân sách nhà nước trong một nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật để đảm bảo sự cân đối trong việc sử dụng và phân bổ các nguồn lực tài chính. Việc phân bổ tỷ lệ cần dựa trên nguyên tắc ưu tiên cho các nhiệm vụ chưa được ngân sách bố trí hoặc các nhiệm vụ cần hỗ trợ đột xuất, linh hoạt, nhanh chóng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Về ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại điểm c, điểm d, khoản 1 Điều 4 có hai nội dung chi là “chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe phản ánh, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương” và “chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành và thực hiện việc nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ, tháo gỡ những 'điểm nghẽn' có nguyên nhân từ quy định của pháp luật”.
Đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa đề cập đến đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách này cũng như mức chi, đồng thời cũng không có điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện nội dung này. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cũng tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã giải trình, làm rõ ý kiến của các ĐBQH nêu như về một số vấn đề chung; về cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó có khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật; về việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách, hoạt động không vì lợi nhuận; về đảm bảo tính khả thi trong xây dựng chính sách, phòng chống trục lợi chính sách… Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu rất cụ thể, gắn với thực tiễn công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở cả Trung ương và địa phương, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao của các đại biểu. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với nhiều nội dung dự thảo Nghị quyết; đồng thời, phân tích, đánh giá sâu sắc thêm nhiều nội dung và góp ý thêm nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể vào các điều, khoản và phụ lục của Nghị quyết, đảm bảo thể chế đầy đủ Nghị quyết của Bộ Chính trị với yêu cầu công bằng, thỏa đáng, bao quát các đối tượng và các công việc cần có chế độ ưu đãi đặc biệt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi Chính phủ và các cơ quan có liên quan và báo cáo lại ĐBQH. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về nội dung này vào chiều tối ngày 16/5 và Chính phủ sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17/5.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Quang cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Các đại biểu tham gia Phiên họp

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH TP. Huế

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải trình, làm rõ ý kiến các ĐBQH nêu

Các đại biểu tham gia Phiên họp
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94136