Đề xuất bổ sung hình phạt giám sát điện tử, cấm nhập cảnh
Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung hình phạt chính là chung thân không xét giảm án và hai hình phạt bổ sung là cấm nhập cảnh và giám sát điện tử.

Phiên tòa xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh minh họa KHẢI HOÀN).
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Thêm 2 hình phạt bổ sung
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 7 hình phạt bổ sung đối với người phạm tội gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất thêm hai hình phạt bổ sung là cấm nhập cảnh và giám sát điện tử.
Cụ thể, Điều 45a quy định cấm nhập cảnh vào Việt Nam có thể được áp dụng đối với người nước ngoài bị kết án.
Điều 45b quy định giám sát điện tử là việc sử dụng thiết bị điện tử để quản lý, giám sát.
Hình phạt bổ sung giám sát điện tử được áp dụng để theo dõi đối với người được hưởng án treo, người bị quản chế, cấm cư trú hoặc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Những người bị áp dụng hình phạt bổ sung này là những người có hành vi phạm tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, ma túy, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình; phạm tội vì mục đích chống chính quyền nhân dân.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, có thể áp dụng hình phạt giám sát điện tử đối với người đang chấp hành hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung hoặc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về các hành vi phạm tội không thuộc quy định nêu trên.
Thời hạn áp dụng hình phạt giám sát điện tử không quá thời hạn của án phạt quản chế, cấm cư trú; không quá thời gian thử thách của người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Chính phủ quy định chi tiết thi hành hình phạt giám sát điện tử.
Bổ sung hình phạt chính tù chung thân không xét giảm án
Cùng với 7 hình phạt chính hiện nay gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình, tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất thêm một hình phạt chính mới đó là tù chung thân không xét giảm án,
Điều 39a dự thảo Bộ luật quy định: Tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác.
Tù chung thân không xét giảm án được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Không áp dụng tù chung thân không xét giảm án đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Người bị kết án tù chung thân không xét giảm án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất 7 tội danh có khung hình phạt tử hình như quy định hiện hành và bổ sung thêm án tù chung thân không xét giảm án, gồm: Giết người (Điều 123); Bạo loạn (Điều 112); Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).
8 tội danh đề xuất bỏ hình phạt tử hình thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, gồm: Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354), Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Gián điệp (Điều 110); Phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).