Đề xuất bổ sung quy định tạm sử dụng rừng để thi công đường sắt tốc độ cao

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp. Một trong những nội dung quan trọng được đề xuất lần này là quy định cho phép tạm sử dụng rừng để phục vụ thi công các công trình tạm trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả hai dự án đường sắt trên đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và cho phép áp dụng cơ chế chính sách đặc thù. Trong đó, việc cho phép tạm sử dụng rừng để thi công các công trình phụ trợ như đường công vụ, bãi tập kết vật liệu, khu lán trại cho công nhân… là yêu cầu thực tiễn cấp thiết, giúp đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng chậm trễ trong thi công.

Việc tạm sử dụng rừng chỉ diễn ra trong giai đoạn thi công, không thay đổi mục đích sử dụng đất lâu dài. Sau khi hoàn thành công trình, diện tích rừng bị ảnh hưởng sẽ được phục hồi hiện trạng, thực hiện trồng rừng thay thế và bàn giao lại cho chủ rừng theo đúng quy định.

Thực tế hiện nay, quy định tạm sử dụng rừng mới chỉ áp dụng cho các dự án phát triển lưới điện theo Nghị định 27/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024. Trong khi đó, chưa có quy định tương ứng cho nhóm dự án đường giao thông và đường sắt, những công trình trọng điểm cũng mang tính chiến lược quốc gia tương tự.

Việc mở rộng đối tượng áp dụng chính sách này không chỉ bảo đảm sự nhất quán trong hệ thống pháp luật mà còn giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về lâm nghiệp, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, theo báo cáo từ 39 địa phương, việc áp dụng quy định tạm sử dụng rừng trong các dự án lưới điện đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, chỉ có 2/39 tỉnh có dự án đăng ký tạm sử dụng rừng.

Trong đó, tại tỉnh Nghệ An, có 3 dự án đường dây 500kV và 220kV với tổng diện tích rừng tạm sử dụng là 6,78 ha.

Tại tỉnh Quảng Nam, dự án đấu nối thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam sử dụng tạm 1,33 ha rừng (trong đó có 1,25 ha rừng tự nhiên và 0,08 ha rừng trồng).

Theo đánh giá từ địa phương, cơ chế này đã giúp tháo gỡ thủ tục, thuận lợi trong công tác vận chuyển, tập kết vật liệu và thi công các trụ điện giữa rừng, góp phần rút ngắn thời gian thi công và đảm bảo tiến độ.

Một ví dụ điển hình là dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa phận tỉnh Nghệ An, nhờ cơ chế này mà tiến độ được đẩy nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu vận hành hệ thống điện quốc gia.

Hùng Nguyễn

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-bo-sung-quy-dinh-tam-su-dung-rung-de-thi-cong-duong-sat-toc-do-cao-317255.html