Đề xuất bổ sung quy định về việc quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung quy định về quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ tại các kỳ họp sau Kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa trong trường hợp cần thiết.

Sáng 15/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung 23/58 điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và bổ sung 1 điều mới.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Cụ thể, để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, đề nghị không thể hiện trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về tên cụ thể các cơ quan của Quốc hội; việc thẩm tra đối với từng nội dung sẽ thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan được quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó đề nghị sửa đổi một số quy định trong Nội quy kỳ họp Quốc hội liên quan đến các cơ quan đã kết thúc hoạt động như Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu lập pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất bổ sung quy định về trình tự Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến “kỳ họp bất thường” để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Bổ sung một khoản quy định về việc quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ tại các kỳ họp sau Kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội trong trường hợp cần thiết để bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ và bao quát đầy đủ các trường hợp như đã thực hiện trên thực tế.

Sửa đổi, bổ sung quy định về quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Theo đó, bổ sung nội dung “đổi tên đơn vị hành chính”; không quy định cụ thể về trình tự xem xét, thông qua mà dẫn chiếu quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Không quy định riêng về trình tự quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; sửa đổi theo hướng quy định khái quát trình tự quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan, trong đó, cơ quan trình có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về việc thành lập, bãi bỏ cơ quan.

Về kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ về việc trường hợp kỳ họp được tổ chức thành hai hay nhiều đợt thì trong thời gian giữa các đợt của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội vẫn thực hiện các công việc thuộc nội dung kỳ họp.

Cạnh đó, bổ sung quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với thời điểm thông thường (ngày 20/5 và 20/10) và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Về phiên họp toàn thể và thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định thời gian trình bày tờ trình, báo cáo không quá 7 phút, trừ trường hợp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội để bảo đảm việc trình bày tờ trình, báo cáo phải ngắn gọn, súc tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, về việc rút ngắn thời gian phát biểu lần thứ nhất của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể từ không quá 7 phút xuống còn không quá 5 phút, bên cạnh các ý kiến tán thành thì có ý kiến cho rằng, việc rút ngắn thời gian phát biểu lần đầu của đại biểu là không thực sự phù hợp, không đủ thời gian để đại biểu Quốc hội trình bày hết ý kiến của mình.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giữ lại quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành về trình tự xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/de-xuat-bo-sung-quy-dinh-ve-viec-quyet-dinh-co-cau-to-chuc-chinh-phu-post1199547.vov