Đề xuất bổ sung thêm một số loại tài sản phải đấu giá
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra được các đại biểu thống nhất cao. Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý hoàn thiện là quy định về các loại tài sản quy định phải đấu giá.
Quy định bán đấu giá tín chỉ carbon
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng), tại các điểm trong khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đã liệt kê các nhóm tài sản pháp luật quy định phải đấu giá. Ông đề nghị bổ sung một nội dung hết sức quan trọng là quy định bán đấu giá về tín chỉ carbon. ĐB Tạo phân tích, cam kết của Nhà nước ta đối với các tổ chức của thế giới là sẽ đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nên việc đưa tín chỉ carbon vào nhóm tài sản pháp luật quy định phải đấu giá chính là thể chế hóa và thực hiện hóa cam kết của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế theo lộ trình từ năm 2025-2050. Bên cạnh đó, phải nói rằng tín chỉ carbon không phải là sản phẩm riêng có của một ngành mà là nhu cầu mua bán phổ thông của nhiều ngành như năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp.
Đối với đấu giá một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng đất, sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản..., ĐB Tạo cho rằng, những quy định này đã được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về ĐGTS trong thời gian qua theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan. Ngoài ra, việc áp dụng một số quy định chung của pháp luật ĐGTS đối với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật cần được quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thi hành Luật và Chính phủ cần có quy định chi tiết khi thi hành triển khai Luật.
Luật hóa đấu giá biển số xe
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) lại đề nghị nên bổ sung thêm 1 nội dung vào khoản 1 Điều 4 là bổ sung biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật, bởi đấu giá biển số xe là tài sản phải bán thông qua đấu giá theo Nghị quyết số 73 ngày 15/11/2022 của QH về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và Nghị quyết 73 chỉ được thực hiện trong 3 năm. ĐB Thịnh nhận thấy, đấu giá biển số xe trong thời gian vừa qua theo Nghị quyết 73 có những kết quả nhất định, do đó sau khi Nghị quyết 73 hết hiệu lực thì biển số xe cũng cần được tiếp tục đấu giá theo quy định của pháp luật, nếu đưa ngay vào sửa đổi Luật ĐGTS lần này sẽ đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật.
Đồng tình, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, phải đưa nội dung về đấu giá biển số xe vào trong chương trình nghị sự và Luật ĐGTS. Mặc dù hiện nay Nghị quyết 73 cho phép thí điểm thực hiện trong thời gian 3 năm, nhưng trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (cũng trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ 7 - PV) đã đưa nội dung đấu giá biển số xe ô tô, xe mô tô vào Luật. “Như vậy, không lý do gì việc đấu giá biển số xe lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật ĐGTS”, ĐB Hòa nhấn mạnh và đề nghị đấu giá biển số xe phải đưa vào Luật ĐGTS và thực hiện theo quy trình ĐGTS, vì đây là loại tài sản của Nhà nước, biển số xe là tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Giải trình ý kiến ĐB về việc quy định biển đấu giá biển số xe, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, trong Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cũng đã nêu rất rõ. Đó là ngày 19/5 vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo và Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH đã thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ QH là sẽ chuyển quy trình, thủ tục đấu giá biển số xe sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và thực hiện quy trình, thủ tục theo pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đã bỏ điều khoản chuyển tiếp thực hiện Nghị quyết 73 của QH.
Về ý kiến ĐB bổ sung tín chỉ carbon, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH đã nêu rõ, pháp luật chuyên ngành sau này sẽ quy định về tín chỉ carbon, còn thực hiện quy trình đấu giá tín chỉ carbon như thế nào sẽ theo trình tự thủ tục của Luật ĐGTS, các bước trước khi đưa ra ĐGTS sẽ theo pháp luật chuyên ngành.
Quá trình tổ chức thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải ban hành các quy định để khắc phục, đồng thời nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực