Đề xuất bỏ thi thăng hạng đối với giáo viên
Liên quan đến việc giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều người, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đề xuất của giáo viên là có căn cứ.
Tâm thư nhà giáo đề nghị chỉ xét thăng hạng
Mới đây, gần 2.500 giáo viên tại Hà Nội viết tâm thư gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND thành phố, bày tỏ mong muốn bỏ việc phải dự thi mới được xét thăng hạng, tăng lương.
Ông Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, ông là người đã đại diện cho gần 2.500 giáo viên viết tâm thư này. Kiến nghị bỏ thi thăng hạng xuất phát từ nhiều lý do, trong đó, có những bất cập. Theo quy định, bài thi thăng hạng gồm 4 môn: Kiến thức chung, Ngoại ngữ, Tin học và nghiệp vụ chuyên ngành. Giáo viên được miễn thi Ngoại ngữ nếu còn dưới 5 năm công tác, tính đến thời điểm về hưu. Với nhiều giáo viên thế hệ 6-7X, thậm chí 8X, môn Ngoại ngữ và Tin học sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt là môn Ngoại ngữ, do nhiều năm không sử dụng. Nếu Hà Nội tổ chức thi để thăng hạng sẽ gây nhiều bất lợi cho những đối tượng là giáo viên đã lớn tuổi.
Cũng theo ông Đường, việc tổ chức một kỳ thi cho hàng nghìn giáo viên trên khắp thành phố cũng tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Cùng với đó là công sức và thời gian của giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi. Thời gian, công sức và nguồn kinh phí đó, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ phát huy giá trị hơn rất nhiều. Nhất là, trong thời điểm này, các thầy cô đang dồn hết tâm sức để chuẩn bị cho một năm học mới, với bộ sách mới, chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu thêm một kỳ thi, sẽ thêm gánh nặng cho giáo viên và thiệt thòi cho học sinh khi giáo viên phải dành thời gian để ôn thi…
Bớt thủ tục, bớt làm khó giáo viên
Được biết, ngày 30/11/2021, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 34/2021 quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Trong đó có quy định, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II: “Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học”. Đây là một tin vui với nhiều giáo viên khi đã có thể thăng hạng thông qua xét hồ sơ.
Tuy nhiên, vào ngày 6/7/2023, Sở GDĐT Hà Nội đã ra công văn về việc hướng dẫn thu, xét hồ sơ đăng kí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Điều này khiến nhiều giáo viên rất băn khoăn, lo lắng.
Liên quan đến nội dung này, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), đã có thông tin giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.
Về tâm thư của nhiều giáo viên Hà Nội đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các ngành, lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP). Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Bộ GDĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ.
Bộ GDĐT đề nghị địa phương căn cứ thực tiễn để lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-xuat-bo-thi-thang-hang-doi-voi-giao-vien-5725248.html