Đề xuất bỏ toàn bộ thanh tra bộ và cục, cắt 40% thủ tục hành chính
Chính phủ đề xuất kết thúc hoạt động của thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, thanh tra cục thuộc bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện; không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các bộ, sở...

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 8/5, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Theo đó, Chính phủ đề nghị lược bỏ hoàn toàn quy định về thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, thanh tra cục thuộc bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Đề xuất nêu trên nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp; giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra.
Sau khi sắp xếp, hệ thống các cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (bao gồm Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ); Thanh tra Cơ yếu; cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với quy định như dự thảo luật về hệ thống cơ quan thanh tra.
Cách quy định như vậy vừa bảo đảm thể chế hóa tinh thần Kết luận số 134-KL/TW, vừa quy định khái quát phù hợp với yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phù hợp với thực tiễn tổ chức các cơ quan thanh tra nêu trên, đồng thời bao quát được cả trường hợp điều ước quốc tế mà sau này Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia có phát sinh yêu cầu thành lập cơ quan thanh tra.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định đúng tên gọi các cơ quan thanh tra như thể hiện tại Kết luận số 134-KL/TW, để bảo đảm thể chế hóa chính xác yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về cắt giảm thủ tục hành chính, dự thảo Luật đã lược bỏ 54 điều của Luật Thanh tra năm 2022, cắt giảm trên 40% các thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra.
Điển hình là việc giảm các thủ tục do 12 thanh tra bộ; 5 thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 696 thanh tra huyện, 1.001 thanh tra sở và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.
Đồng thời giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra, như: việc ban hành kế hoạch thanh tra, điều chỉnh kế hoạch thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra...