Đề xuất các ĐH ở Tây Nguyên được vay vốn với lãi suất 0%, Bộ trưởng nói gì?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ niềm vui mừng, phấn khởi về cơ sở khang trang của Trường Đại học Đông Á phân hiệu tại Đắk Lắk.
Chiều ngày 23/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Đông Á, phân hiệu tại Đắk Lắk.
Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á đã chia sẻ về những kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, chiến lược phát triển nhân lực cho khu vực Tây Nguyên cũng như định hướng phát triển của trường trong 10 năm tới tại Tây Nguyên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào cho biết, từ tháng 11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép nhà Trường Đại học Đông Á thành lập phân hiệu tại Đắk Lắk.
Từ năm 2023, phân hiệu của trường tại Đắk Lắk sẽ tuyển sinh và đào tạo ở các khối ngành mà Tây Nguyên cần, gồm: Khối ngành Sức khỏe & khoa học cuộc sống (trong đó có ngành: Dược, Điều dưỡng, Nông nghiệp, Thực phẩm); Khối ngành sư phạm (có ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục Tiểu học); Khối ngành kinh tế (trong đó có các ngành về Du lịch dịch vụ); Khối ngành kỹ thuật - công nghệ (gồm các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật Ô tô; Kỹ thuật Xây dựng, Trí tuệ nhân tạo); Khối ngành Ngôn ngữ (với các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc).
Về khối Ngoại ngữ, trường đào tạo và kết nối với các tổ chức khảo thí quốc tế cấp các chỉ ngoại ngữ quốc tế thuộc: tiếng Anh; tiếng Hàn - Topik; tiếng Trung - HSK; tiếng Nhật – TopJ, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí vừa có thêm cơ hội hội nhập, cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên ở Tây Nguyên.
Bàn về kế hoạch phát triển trong 10 năm đến của Trường Đại học Đông Á tại Tây Nguyên, cô Hiệu trưởng chia sẻ, nhà trường mở thêm các ngành đào tạo đáp ứng chiến lược phát triển Tây Nguyên như các ngành thuộc về Dược liệu, Nông nghiệp công nghệ cao, Lâm sinh; Giống cây trồng và vật nuôi, các ngành thuộc về du lịch, giải trí, văn hóa, các khối ngành Luật quốc tế, Trọng tài quốc tế, Sở hữu trí tuệ, các ngành thuộc Trí tuệ nhân tạo, các ngành thuộc giáo dục, sư phạm.
Dự kiến trường sẽ đào tạo 20.000 sinh viên (bình quân 2.000/năm). Trong đó, đào tạo khoảng 2.000 giáo viên các bậc mầm non, tiểu học, trung học phổ thông có năng lực ngoại ngữ; 18.000 sinh viên ở các khối ngành, trong đó có 5.000 sinh viên khối ngành Kinh tế và Du lịch, và đặc biệt có khoảng hơn 5.000 sinh viên học và làm việc ở các nước phát triển như Nhật, Đài Loan, Đức, Úc.
Nhà trường cũng thúc đẩy nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, hợp tác với các trường đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước tạo thành cộng đồng các nhà khoa học ở các lĩnh vực mà Tây Nguyên đang cần.
Trong giai đoạn 10 năm đầu này, nhà trường dự định sẽ đầu tư khoảng hơn 500 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thiết bị nghiên cứu để phát triển các khoa thành các khối ngành Kinh tế - Du lịch và Văn hóa, Khối ngành Nông nghiệp - Thực phẩm, Khối Kỹ thuật, Khối Sư phạm, Khối ngành Ngoại ngữ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương hỗ trợ Trường Đại học Đông Á thuê đất nông nghiệp để làm trang trại, tổ chức thực nghiệm, nghiên cứu, lai tạo giống, phát triển dược liệu, chế biến thực phẩm.
“Nhà trường cũng đề xuất với Chính phủ hỗ trợ chính sách cho các trường đại học ở khu vực Tây Nguyên được vay vốn với lãi suất 0%. Được vậy, Trường Đại học Đông Á sẽ đầu tư cùng một lúc trên mặt bằng 10 ha này cho tất cả các hạng mục cơ sở vật chất được quy hoạch như trên thay vì vay vốn đầu tư cuốn chiếu.
Nhà trường cũng đề xuất được thí điểm mở các ngành sư phạm bậc học trung học phổ thông và hòa cùng cơ chế học bổng cho sinh viên như các trường công lập hiện nay.
Đào tạo sư phạm là con đường dài, đào tạo giáo sinh có năng lực ngoại ngữ và hội nhập, phương pháp dạy học tiếp cận với các nước phát triển càng dài và khó, nếu không bắt đầu mạnh mẽ. Được vậy, Trường Đại học Đông Á sẽ nỗ lực đóng góp vào đào tạo khoảng 2.000 giáo viên cho Tây Nguyên trong vòng 10 năm đến”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào bày tỏ tâm tư.
Gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số
Chia sẻ với các thầy cô Trường Đại học Đông Á, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao khi nhà trường sẵn sàng mở phân hiệu, đầu tư ở khu vực Tây Nguyên – một trong những khu vực mà nhu cầu giáo dục đại học rất lớn.
Khu vực Tây Nguyên rộng lớn trên 6 triệu dân, nhưng tỷ lệ người học đại học mới xấp xỉ 2%, con số này còn rất thấp. Đặc biệt, trên 30% dân số khu vực Tây Nguyên là đồng bào các dân tộc thiểu số, nên việc gia tăng số người học đại học, thu hút con em đồng bào dân tộc học trình độ đại học hoặc cao hơn là một chính sách mang tầm quốc gia.
Dù là trường công hay trường tư khi tham gia phát triển giáo dục đại học ở khu vực này đều rất được Bộ khuyến khích, mong các cơ sở giáo dục gặt hái được những thành công. Vì thành công trong giáo dục mang lại thành công trong chính sách xã hội và phát triển con người.
Thời gian tới, còn nhiều việc mà nhà trường phải làm, như những quy hoạch được phê duyệt còn rất nhiều hạng mục cần hoàn thành, mong rằng các ý tưởng, đề án của trường được thực hiện càng nhanh càng tốt.
“Đặc biệt việc đào tạo các khối ngành công nghệ, kỹ thuật như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô tô, nông nghiệp và các lĩnh vực khác mong nhà trường sớm triển khai.
Nhà trường cũng nên suy nghĩ thêm về việc mở những ngành nghề phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương và đặc điểm kinh tế xã hội của khu vực Tây Nguyên”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng gửi gắm mong muốn Trường Đại học Đông Á lưu ý đến những chính sách để thu hút con em đồng bào các dân tộc thiểu số, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho các em, định hình rõ hơn các cơ chế tạo điều kiện cho các em được đến học tập tại trường.
Bộ trưởng cũng bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi về cơ sở khang trang của nhà trường phân hiệu tại Đắk Lắk.
Về những kiến nghị của nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đề xuất hỗ trợ chính sách cho các trường đại học ở khu vực Tây Nguyên được vay vốn với lãi suất bằng 0%, hiện nay chưa có cơ chế, căn cứ pháp luật nào để thực hiện. Nếu nguồn lực của các ngân hàng dồi dào và các cơ chế chính sách cho phép thì thực hiện được việc này là rất tốt.
Liên quan đến ý tưởng đào tạo giáo viên bậc trung học phổ thông, nhà trường cần chuẩn bị các điều kiện, vì với các trường đào tạo giáo viên, chất lượng đào tạo rất quan trọng.
Khối ngành đào tạo giáo viên cũng như khối ngành đào tạo sức khỏe, đào tạo luật cần có sự quản lý chặt chẽ hơn vì tính chất đặc thù. Với ngành sư phạm, để đào tạo được tốt, phải được xây dựng trên nền của các khoa học cơ bản, không chỉ là câu chuyện số lượng giáo viên mà cần nghiên cứu đội ngũ trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Đến lúc trường đảm bảo các điều kiện cho phép thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc xem xét.