Đề xuất các giải pháp giảm thiểu nhà kính tại Đà Lạt
Ngày 27.5, Hiệp hội Hoa Đà Lạt phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức tọa đàm 'Phổ biến Quyết định số 178/QĐ/UBND ngày 30.1.2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu nhà kính trồng hoa tại Đà Lạt đến năm 2030'.
Tham dự gồm các thành viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đại diện Hội Nông dân TP Đà Lạt và Hội Nông dân các phường, xã, các làng hoa trên địa bàn.
Buổi tọa đàm phổ biến Quyết định 178 nói trên của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, vùng nội ô TP. Đà Lạt gồm 10 phường: 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 phải giảm diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp với tỷ lệ 5%, 10% và 20% lần lượt trong năm 2023, 2024 và 2025. Tỷ lệ này hướng đến năm 2030 là 0%.
Mục tiêu chung của TP. Đà Lạt chuyển dần diện tích sản xuất nông nghiệp nhà kính sang phát triển các vùng nông nghiệp đô thị, cảnh quan, sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ, công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Lại Thế Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, TP. Đà Lạt dẫn đầu cả tỉnh Lâm Đồng về diện tích nhà kính với 2.500 ha; trong đó, có 1.700 ha trồng hoa, sản lượng đạt khoảng 1,5 tỷ cành/năm, còn lại trồng các loại rau màu khác, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, việc phát triển diện tích nhà kính thiếu kiểm soát trong gần 20 năm qua đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị Đà Lạt, tác động đến môi trường sinh thái, góp phần gây nên những hệ quả biến đổi khí hậu, nên cần có những giải pháp giảm thiểu diện tích theo lộ trình .
Buổi tọa đàm đã nêu ra những thách thức sau khi gỡ bỏ nhà kính như người sản xuất phải chuyển đổi giống cây trồng, quy trình, tăng quy mô sản xuất ngoài trời để đảm bảo sinh kế, xây dựng lại thị trường tiêu thụ, ổn định thu nhập... Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp điều chỉnh quy hoạch sản xuất giảm thiểu nhà kính hàng năm trên từng địa bàn phường trong TP. Đà Lạt còn rất cần xây dựng các mô hình canh tác mẫu đối với cây trồng ngoài trời có hiệu quả kinh tế tương đương với cây trồng trong nhà kính…
Bên cạnh đó, các sở, ngành và cơ quan, đơn vị khoa học trong tỉnh Lâm Đồng cần tập trung nghiên cứu, lai tạo, nhập nội, khảo nghiệm giống mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; có khả năng thích ứng trong điều kiện canh tác ngoài trời, đạt hiệu quả kinh tế cao để chuyển giao cho nông dân…
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ nông dân hoặc liên hộ nông dân chuyển đổi nhà kính sang thực hiện các mô hình farmstay, du lịch canh nông, du lịch sinh thái; hỗ trợ di dời, tháo gỡ nhà kính trong 10 phường nội ô Đà Lạt…
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cho biết Đề án giảm thiểu nhà kính Đà Lạt thực hiện đến năm 2025 sẽ tiếp tục đánh giá, nhìn nhận, qua đó tổng hợp những cơ hội, thách thức để triển khai giải pháp tiếp theo trên cơ sở tạo sự đồng thuận, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân gắn với lợi ích bảo vệ môi trường…