Đề xuất cải cách thị trường điện châu Âu

Bất chấp sự hoài nghi của các quốc gia khác, Pháp vẫn muốn cải cách thị trường điện châu Âu. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire trong một cuộc phỏng vấn với AFP, bảo vệ sự thiết phải 'thay đổi logic của thị trường năng lượng' vì người tiêu dùng cuối cùng.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire

Vì sao có ý tưởng cải tổ thị trường điện châu Âu?

Cuộc chiến mà chúng tôi muốn tiến hành là cuộc chiến vì người tiêu dùng Pháp và châu Âu. Họ đang phải đối mặt với việc giá năng lượng tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu của họ.

Đây cũng là những mức tăng chắc chắn sẽ kéo dài. Tôi đặc biệt phản đối ý kiến cho rằng sự gia tăng giá khí đốt là sự gia tăng nhất thời. Không, đó là sự gia tăng bền vững, bởi vì có một nhu cầu mạnh mẽ và bởi vì giá phát thải carbon sẽ ngày càng cao trong những năm tới. Vì vậy cần phải hành động.

Pháp đề xuất những gì?

Tôi muốn trong cuộc họp của Eurogroup làm rõ một số hiểu lầm nhất định và làm rõ các đề xuất và chẩn đoán mà chúng tôi đang đưa ra. Tôi muốn trấn an một số đối tác châu Âu: thị trường bán sỉ đang hoạt động tốt và đảm bảo năng lượng cho tất cả các quốc gia thành viên. Đây là một tài sản quan trọng của thị trường năng lượng châu Âu mà chúng tôi không muốn xem xét sửa đổi.

Vấn đề là ở thị trường bán lẻ vì người tiêu dùng phải trả quá nhiều, và đặc biệt là ở các quốc gia đã chọn ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch. Tôi đang nghĩ đặc biệt đến Pháp, nhờ năng lượng hạt nhân và Tây Ban Nha, quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo. Đây là điều khiến Pháp không đơn độc. Paris có sự hỗ trợ của Tây Ban Nha, Hy Lạp, Cộng hòa Séc. Tôi cũng đã có cơ hội thảo luận với các đối tác Ý. Và chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với một số đối tác châu Âu khác.

Đề xuất đầu tiên chúng tôi đưa ra là áp đặt một cơ chế tự động ổn định giá cho phép lợi nhuận mà nhà sản xuất kiếm được từ giá năng lượng chuyển cho nhà cung cấp, và nhà cung cấp sau đó chuyển các khoản lãi này cho người tiêu dùng, cá nhân hoặc doanh nghiệp.

Đề xuất thứ hai mà chúng tôi đang đưa ra là có các hợp đồng carbon thấp dài hạn cho các công ty. Điều này gắn liền với một số đề xuất của Ủy ban châu Âu. Đó sẽ là một cam kết cung cấp ở một mức giá nhất định, trong vòng 5 đến 10 năm, với một khối lượng cụ thể, nhưng chỉ đối với năng lượng không phát thải carbon. Điều này sẽ ổn định giá cho người tiêu dùng lớn và điều này rõ ràng sẽ thúc đẩy năng lượng không có carbon.

Và đề xuất thứ ba?

Và đề xuất thứ ba?

Hiện nay, chúng tôi không có nghĩa vụ phải cung cấp cho người tiêu dùng nguồn cung cấp điện an toàn với mức giá ổn định. Chúng tôi muốn đây là một nghĩa vụ thị trường.

Những đề xuất này đi ngược lại chính sách tự do hóa thị trường châu Âu...

Về thị trường bán lẻ, tôi cho rằng nên điều chỉnh logic của thị trường bằng logic dài hạn, điều này giúp ổn định giá cả và khuyến khích tiêu thụ năng lượng carbon thấp. Năng lượng là hàng hóa chiến lược và không phải là vô lý khi đối với hàng hóa chiến lược, logic thị trường được khắc chế bởi logic chiến lược.

Ông có nghĩ rằng những đề xuất này sẽ được các đối tác châu Âu đón nhận?

Như mọi khi, chúng ta cần thời gian để thuyết phục, xác tín và giải thích. Tôi rất tự tin về cuộc chiến mà chúng tôi đang tiến hành, đó là cuộc chiến vì người tiêu dùng.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/de-xuat-cai-cach-thi-truong-dien-chau-au-632248.html