Đề xuất cán bộ, công chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc
Một điểm mới được quy định trong dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc mở rộng đối tượng dân sự tham gia, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước...

Đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 13 sĩ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Chiều 14/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Theo quy định hiện hành, lực lượng được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an.
Tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 13 sĩ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ EUTM-RCA (Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi) và Trụ sở Liên Hợp Quốc.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Chỉ huy phái bộ, Chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc ban hành dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định tại Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hành lang pháp, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;
Bên cạnh đó còn có cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Điểm mới trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định đối tượng dân sự được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Tờ trình của Chính phủ cho rằng việc cử đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích tiềm năng; giúp huy động thêm nguồn nhân lực để tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, nhất là các vị trí lãnh đạo hoặc vị trí tại các cơ quan hoạch định chính sách của Liên Hợp Quốc; qua đó sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia giữ hòa bình của Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc.
Đây cũng là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa- chính trị, kinh tế- xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn việc quy định đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.