Đề xuất chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành Nghị định về chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thay thế Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-TTg; đồng thời nhằm xử lý các tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động của NHCSXH thời gian qua; qua đó nâng cao năng lực tài chính cho NHCSXH để thực hiện tốt hơn nữa chương trình xóa đói, giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

NHCSXH được cấp bổ sung vốn điều lệ hằng năm

Về vốn điều lệ của NHCSXH, Bộ Tài chính cho biết: Căn cứ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 và tình hình thực tế, nhằm tăng cường năng lực cho NHCSXH cũng như đảm bảo việc sử dụng vốn từ NSNN được an toàn, hiệu quả và đảm bảo phù hợp với tính chất hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của NHCSXH, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định về vốn điều lệ của NHCSXH tại dự thảo Nghị định theo hướng:

NHCSXH được NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ hằng năm để đạt tỷ lệ tăng trưởng vốn điều lệ bằng với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách của Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: (i) Không có lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm liền kề trước năm xây dựng dự toán bổ sung vốn điều lệ; (ii) Ít nhất 01 (một) trong 03 (ba) năm liền kề trước năm xây dựng dự toán bổ sung vốn điều lệ có kết quả xếp loại đạt từ loại B trở lên.

Việc quy định điều kiện để được NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ hằng năm nhằm tạo động lực cho NHCSXH thực hiện tốt hơn nữa chính sách tín dụng của Nhà nước giao, công tác quản trị cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thời gian tới.

Ngoài nguồn NSNN nêu trên, NHCSXH được bổ sung vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Phân phối kết quả tài chính của NHCSXH

Theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg, trường hợp thu nhập lớn hơn chi phí và sau khi bù đắp khoản thâm hụt từ những năm trước (nếu có), NHCSXH thực hiện trích 5% vào quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% vào quỹ dự phòng tài chính, 10% vào quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024, hằng năm tổ chức tín dụng phải trích lập từ lợi nhuận sau thuế để lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (10% lợi nhuận sau thuế), quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ khác theo quy định.

Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết chế độ tài chính, doanh thu, chi phí, phân phối lợi nhuận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó dự kiến tỷ lệ trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế như sau: Tỷ lệ trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 10%, tỷ lệ trích quỹ đầu tư phát triển là 20% và tỷ lệ trích quỹ dự phòng tài chính là 10%.

Để đồng bộ với quy định chung đối với tổ chức tín dụng và phù hợp với tính chất hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định phân phối kết quả tài chính của NHCSXH như sau: Tỷ lệ trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 10%, tỷ lệ trích quỹ đầu tư phát triển là 30% và tỷ lệ trích quỹ dự phòng tài chính là 10%.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-che-do-quan-ly-tai-chinh-doi-voi-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-102240703160958358.htm