Đề xuất chế tài với thủ trưởng cơ quan ngại đổi mới, sợ rủi ro
Lãnh đạo Sở Nội vụ nhiều tỉnh, thành băn khoăn việc cấp dưới có ý tưởng, rất sáng tạo nhưng thủ trưởng cơ quan, đơn vị bảo thủ, không chấp nhận cái mới.
Ngày 28-3, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý vào ba dự thảo các Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung; cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Sở Nội vụ 20 tỉnh, TP khu vực phía Nam.
Cần cơ quan thẩm định ý tưởng sáng tạo
Nêu ý kiến tại hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Giàu, cho biết địa phương này có nhiều cán bộ có ý tưởng mới nhưng khi trình bày cho cấp chính quyền, cấp ủy lại không được chấp nhận. Lý do là người đứng đầu các cấp ngại đổi mới, sợ rủi ro.
Theo bà Giàu, khi cán bộ có ý tưởng đột phá thì cần có phương án để động viên, khi đó họ mới dám nghĩ dám làm. Cụ thể, cần xem xét, bổ sung thêm quy định nên có cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định ý tưởng đổi mới sáng tạo này. Dựa trên cơ sở các đề xuất đó thì các cơ quan, tổ chức thẩm định để thực hiện. Cùng đó, cần có cơ quan thẩm tra độc lập về kết quả thực hiện nhiệm vụ để tạo chế độ chính sách khuyến khích cho anh em, tạo sự đồng bộ trong việc thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang, lại đề cập đến khía cạnh dám nghĩ, dám làm nhưng chưa dám triển khai. “Đây là tình huống mà tỉnh đang gặp phải” – ông Trí nói và cho biết Hậu Giang muốn xây dựng một đề án để tạo nguồn cán bộ mới dựa theo thực tiễn của địa phương.
“Tỉnh muốn có cơ chế, Bộ Nội vụ đã ủng hộ nhưng lên cấp cao hơn thì có ý kiến là cần phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”- ông Trí nói thêm.
Ông cũng đề xuất có quy định chế tài thủ trưởng trong trường hợp cán bộ có đề xuất ý tưởng sáng tạo nhưng lại không được thủ trưởng cơ quan chấp nhận vì bảo thủ, không dám chấp nhận cái mới.
Về điểm này, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho rằng vẫn có sự nhầm lẫn giữa năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm. "Dự thảo nêu lãnh đạo cơ quan xem xét quyết định ý tưởng, đề xuất nhưng lãnh đạo chưa chắc có thể nhận định đó là dám nghĩ dám làm. Cần bổ sung văn bản quy định để bảo đảm pháp lý cho nội dung này" - ông Nhân nói.
Giao quyền địa phương quyết định số lượng cán bộ cấp xã
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho rằng các ý kiến góp ý của các đại biểu có nhiều nội dung từ thực tiễn địa phương, rất có ích cho việc hoàn thành dự thảo các nghị định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận, ba dự thảo nghị định được lấy ý kiến là những nội dung quan trọng, cần thiết và cấp bách. Việc xây dựng dự thảo các nghị định cũng là sự đổi mới rất mạnh dạn của ngành nội vụ.
Chẳng hạn với dự thảo nghị định cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách, Bộ đã phân cấp, phân quyền và giao thẩm quyền cho địa phương rất nhiều. Địa phương cứ căn cứ vào thực tiễn để bố trí bổ sung số người làm việc không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, điểm nhấn của các dự thảo nghị định là tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hướng tới sự liên thông đội ngũ cán bộ công chức cấp xã với công chức cấp huyện trở lên. Trong nội dung nghị định đã tiến tới việc liên thông nên tiêu chuẩn về đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cũng cao hơn.
Theo bà Trà, Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung là nghị định khó và mới.
"Tuy nhiên khó mấy cũng phải làm, làm cho bằng được nhưng không cầu toàn. Cứ để thực tiễn tiếp tục chứng minh xem quy định có phù hợp, tiêu chí khuyến khích, bảo vệ đã ổn chưa, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý để cán bộ năng động, sáng tạo hay không. Từ đó, hoàn thiện dần để nâng lên mức độ văn bản pháp quy tốt hơn, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám đột phá" – bà Trà nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo cho các cơ quan Tư pháp, Ủy ban kiểm tra, Ban Nội chính Trung ương... để hoàn thiện dự thảo này. Nếu cần thiết sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề thể chế hóa Kết luận 14, làm sao đảm bảo chặt chẽ về mặt cơ sở chính trị, sự thống nhất và đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, nhất là từ Trung ương để địa phương thực hiện.
Tính biên chế dựa theo diện tích, dân số
Liên quan đến số lượng cán bộ, công chức cấp xã, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đề xuất nên để HĐND cấp tỉnh quyết định. UBND cấp huyện sẽ quyết định số lượng cụ thể ở từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức cấp xã phù hợp.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai Trần Quang Tú cho rằng cần quy định rõ số lượng cán bộ, công chức theo dân số. “Hiện nhiều xã, phường ở Đồng Nai hay TP.HCM, Bình Dương có dân số đông, trong khi số lượng cán bộ, công chức không tương xứng gây áp lực cho việc quản lý” – ông nói và đơn cử phường Long Bình có dân số đông nhất ở Đồng Nai với hơn 130.000 dân.
Ông Trần Phước Vĩnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng, lại cho rằng cần bổ sung vào dự thảo quy định số lượng cán bộ, công chức đối với xã đảo. Tỉnh Sóc Trăng có đến 11 xã đảo nhưng hiện chưa có quy định cụ thể với trường hợp này.