Đề xuất cho Hà Nội cơ chế cải tạo các khu phố cũ, tránh những thảm họa cháy nhà thương tâm

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần cho Hà Nội cơ chế, chính sách để đầu tư, cải tạo các khu phố lụp xụp trong nội đô nhằm tránh những thảm họa cháy nhà như thời gian qua.

Theo dự kiến, ngày mai (28-5), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đã trao đổi với báo chí về một số góp ý cho dự thảo luật này.

Có khung pháp lý cho "nội đô lịch sử"

. Phóng viên: Vừa qua đã xảy ra vụ cháy làm 14 người tử vong tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương sau khi xuống hiện trường thì có nói rằng đó là hệ quả của việc “làng lên phố”. Vậy ông có góp ý gì cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này để sửa đổi những bất cập đó?

+ Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rõ ràng những bất cập trong phát triển đô thị ở Hà Nội chúng ta đều đã nhìn thấy. Những bất cập này cũng đã để lại những hậu quả rất đáng tiếc, khôn lường.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội)

Tôi cho rằng Luật Thủ đô sửa đổi cũng như những quy hoạch của Thủ đô phải hướng đến giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay.

Ví dụ, trước đây theo quy định, nhiều khu vực nằm trong ranh giới được gọi là “nội đô lịch sử” thì gần như không được phép cải tạo hay đầu tư quá nhiều. Cũng chính vì bị khống chế bởi những chỉ số đầu tư phát triển như vậy đã dẫn đến việc có nhiều khu chung cư cũ nhiều năm không được cải tạo; nhiều khu nhà được gọi là nhà tự xây không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn, phòng chống cháy nổ cũng như môi trường sinh hoạt.

Tuy nhiên, hiện cũng không có cơ chế nào để thay đổi những điều kiện này. Chính vì vậy, trong dự luật Luật Thủ đô lần này phải tạo được khung pháp lý, trong đó nêu rõ khu vực nào cần phải bảo tồn như phố cổ hay những khu công trình kiến trúc quan trọng, những khu có yếu tố lịch sử…

Còn những khu khác phải đưa ra các mô hình về đầu tư, cải tạo theo những mô hình đô thị hiện đại chứ không thể để Thủ đô phát triển một cách tự phát, người dân tự xây dựng theo ý chí chủ quan mà không theo tiêu chuẩn, quy hoạch của các đô thị lớn…

Nếu làm được việc này tôi cho rằng sẽ giải quyết được những bức xúc hiện nay, như phát triển các khu đô thị tự phát, khu dân cư không đảm bảo tiêu chuẩn hoặc những nơi “phát triển đô thị nhếch nhác”, không xứng tầm với thủ đô.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để giải quyết được việc phòng cháy, chữa cháy ở những con ngõ hẻm ngoằn ngoèo như hiện nay?

+ Rõ ràng hiện có nhiều khu vực không đảm bảo về các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và thiếu không gian cho sinh hoạt công cộng. Do vậy, chúng ta phải đưa vào những phương án cải tạo, thay đổi để biến những khu vực đó trở thành những khu vực phát triển văn minh, hiện đại nhất thế giới.

Theo tôi, điều này hoàn toàn có thể làm được, bởi phần lớn những khu chúng ta nói đang rất lộn xộn, nhếch nhác đều nằm ở khu vực trung tâm nhất của thủ đô, ở những vị trí mà nếu cải tạo tốt sẽ trở thành nơi có giá trị kinh tế cao.

Vấn đề ở đây là phải có một khung khổ pháp lý để được phép thay đổi, từ đó có thể vừa khai thác được không gian ngầm vừa khai thác được không gian trên cao và có một hệ thống công trình hạ tầng công cộng hiện đại. Trong đó đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng với khối lượng vận chuyển lớn như đường sắt đô thị.

Do đó ngay trong quy hoạch cũng như Luật Thủ đô cũng đã ưu tiên cho phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là giao thông đường sắt.

Nếu chúng ta làm được việc này thì những khu vực đang tập trung dân số đông nhưng nhà thấp tầng có thể chuyển thành những khu nhà rất cao tầng. Khi đó không gian sinh hoạt, không gian sống được chuyển lên cao còn không gian mặt đất sẽ giành cho không gian xanh, không gian công cộng; không gian ngầm trở thành không gian giao thông, phát triển dịch vụ.

Quy hoạch trung tâm Hà Nội thành những khu phát triển hiện đại

. Nhưng để cải tạo các khu dân cư cũ trong nội thành sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều hộ dân?

+ Đúng vậy. Điều đầu tiên theo tôi là phải thay đổi quan niệm, thói quen trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Bởi hầu hết người dân đều muốn được sống trong một căn nhà dưới mặt đất, chứ không muốn sống trong những căn hộ chung cư dù điều kiện sinh sống tại đây có thể tốt hơn rất nhiều lần so với mặt đất.

Thứ hai, về cơ chế chúng ta cũng phải thay đổi. Việc cải tạo đô thị không chỉ giải quyết những bức xúc của người dân, giúp cho đời sống của họ được tốt hơn mà phải nhìn thấy việc này là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền.

 Khu vực trung tâm Hà Nội cần được quy hoạch để trở thành những khu phát triển hiện đại, tạo không gian trống để tổ chức các hoạt động công cộng, hoạt động xanh. Ảnh: PHI HÙNG

Khu vực trung tâm Hà Nội cần được quy hoạch để trở thành những khu phát triển hiện đại, tạo không gian trống để tổ chức các hoạt động công cộng, hoạt động xanh. Ảnh: PHI HÙNG

Tôi lấy ví dụ với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng thì nhà nước phải đầu tư, nếu không sẽ không thể giải quyết được câu chuyện tập trung dân số. Nếu chúng ta đầu tư một tuyến đường sắt đô thị mà ở đó có một ga đường sắt thì có thể xây dựng rất nhiều tòa nhà cao tầng lên và câu chuyện về ùn tắc giao thông cũng sẽ được giải quyết.

Nếu ai chấp nhận chuyển sinh sống từ những ngôi nhà lụp xụp lên những căn nhà trên cao thì có thể chuyển đổi chỗ ở. Còn những ai vẫn muốn sống trong những căn nhà mặt đất thì có thể dịch chuyển ra những khu vực xa hơn trung tâm.

Trong khu vực trung tâm chúng ta phải quy hoạch để trở thành những khu phát triển hiện đại, tạo không gian mở nhằm tổ chức các hoạt động công cộng, hoạt động xanh cho đô thị.

. Với Luật Thủ đô thì ông dự báo phải mất bao lâu để Hà Nội có thể thay đổi được diện mạo?

+ Để phát triển Thủ đô thì cần cả một quá trình chứ không thể đong đo bằng con số cụ thể.

Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phải là một nước thu nhập cao, ngang tầm với các nước phát triển. Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2050 Hà Nội phải là Thủ đô đứng hàng đầu các nước trong khu vực, ngang tầm với thủ đô các nước tiên tiến trên thế giới.

Rõ ràng lộ trình đặt ra như thế nhưng có đạt được hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta khai thác những cơ chế, quy chế… được gọi là đặc thù, vượt trội cho thủ đô ra sao.

Mặt khác, điều này cũng đòi hỏi sự quyết tâm rất cao không chỉ của chính quyền Hà Nội trong việc chuyển đổi mà còn đòi hỏi sự tập trung nguồn lực rất lớn của cả xã hội, làm thế nào để chúng ta tạo ra bộ mặt cho đất nước thực sự đột phá, xứng tầm với các nước phát triển vào năm 2045.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-cho-ha-noi-co-che-cai-tao-cac-khu-pho-cu-tranh-nhung-tham-hoa-chay-nha-thuong-tam-post792699.html