Đề xuất cho Hà Nội cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Đề xuất cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn Hà Nội.
Phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội
Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều).
Về tổ chức chính quyền đô thị, Thường trực Ủy ban pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường.
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội , Thường trực Ủy ban pháp luật và thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao HĐND Thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố;
Quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.
Cần xác định khung pháp lý cần thiết
Về quản lý không gian ngầm, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về quản lý không gian ngầm tại Điều 19 để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý có hiệu quả, khai thác giá trị gia tăng từ đất đối với phần không gian ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội theo chủ trương, yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, dự thảo Luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 19).
Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (thủ tục cấp phép sẽ được nghiên cứu để đơn giản giản hóa thủ tục hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông); trong một số trường hợp phải trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Chính phủ (chủ yếu tập trung vào công trình ngầm được khai thác, sử dụng cho mục đích kinh doanh) (khoản 2 Điều 19).
Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động khi ban hành, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực. Để tăng tính thuyết phục, UBTVQH cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động về nội dung này trước khi trình Quốc hội thông qua.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (điều 25), dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Ông Tùng cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
"Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Vì vậy, UBTVQH đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện quy định này", ông Tùng nói..