Đề xuất cho phép 5 tỉnh, thành tiếp tục được thực hiện các cơ chế đặc thù sau sáp nhập

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập gồm 5 tỉnh thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Ngày 19/5, Quốc hội nghe tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết nghị tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và số lượng ĐVHC cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Thắng cho biết, tính đến nay, cả nước có 10 địa phương (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các Luật, Nghị quyết riêng của Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW sẽ có 6/10 địa phương nêu trên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến thành phố Buôn Ma Thuột), Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ.

Việc sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh và kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện dẫn đến thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý, địa vị pháp lý, quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện tại các địa phương thuộc diện sắp xếp nhằm đảm bảo tính liên tục, ổn định của quy định pháp luật, trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

Cũng theo ông Thắng, tại văn bản số 14708-CV/VPTW ngày 5/5/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã cho ý kiến đồng ý chủ trương cho phép các địa phương sau sáp nhập được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện đối với địa phương trước khi sáp nhập. Cho phép các xã, phường mới tương ứng với địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù đã được cho phép thực hiện với thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay.

Ông Thắng nhìn nhận, các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng vượt trội của địa phương. Các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng vượt trội của địa phương hoặc thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới.

Qua sơ kết và đánh giá quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại các địa phương cho thấy các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện đã phát huy hiệu quả, tạo động lực cho các địa phương phát triển và tận dụng được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương, nhất là các lĩnh vực: tài chính, ngân sách, quy hoạch, đất đai, khoa học - công nghệ và thu hút các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn; đồng thời đẩy mạnh tối đa việc phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương chỉ thực hiện việc giám sát, hậu kiểm.

Nhiều dự án đầu tư, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được xây dựng, phê duyệt và thực hiện theo các cơ chế, chính sách này. Do đó, việc quy định chuyển tiếp vấn đề này tại các địa phương sau sắp xếp nhằm tiếp tục phát huy các kết quả tích cực nêu trên và tránh ảnh hưởng tiêu cực tới các kế hoạch, dự án đang triển khai và môi trường đầu tư kinh doanh là hết sức cần thiết và cấp bách.

Việc duy trì các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đang áp dụng, sau khi sáp nhập và sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp sẽ tạo điều kiện để tạo động lực tăng trưởng mới, sức bật cho các địa phương. Vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập gồm 5 tỉnh thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây. Riêng với các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) sau sắp xếp cấp đơn vị hành chính cấp phường, xã, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã được cho phép.

Thẩm tra vấn đề trên, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính cho biết, việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, đặc thù tại địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, mà còn liên quan đến nhiều mặt về kinh tế, ngân sách. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá tác động chính sách bảo đảm giữ nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị với các thành phố áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sáp nhập vào các tỉnh, cần xác định lại tỷ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách Trung ương - địa phương.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-xuat-cho-phep-5-tinh-thanh-tiep-tuc-duoc-thuc-hien-cac-co-che-dac-thu-sau-sap-nhap-10306132.html