Đề xuất cho phép báo chí ghi âm, ghi hình từ phòng truyền hình trực tiếp

Dự kiến, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua vào ngày 24-6 tới. Tuy vậy, quy định hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa của dự luật này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại biểu Nguyễn Tạo, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nên cho phép báo chí ghi âm, ghi hình phiên tòa, nhưng ở phòng riêng kết nối truyền hình trực tiếp.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, trong điều kiện, cơ sở hiện nay, rất khó để có thể cho phép báo chí tham gia một cách đầy đủ ở giai đoạn nào của phiên tòa.

“Thực tế, diện tích hội trường xét xử hiện nay rất nhỏ. Trong khi đó, các cơ quan báo chí có nhu cầu tham dự rất nhiều. Cho phép báo này vào tham dự, còn báo kia không thì sẽ bất hợp lý”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Nguyễn Tạo: Cần có một khu vực hoặc một phòng truyền hình trực tiếp cho các phóng viên tác nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Tạo: Cần có một khu vực hoặc một phòng truyền hình trực tiếp cho các phóng viên tác nghiệp.

Đề xuất phương án khả thi nhất cho việc này, theo đại biểu Nguyễn Tạo, là cần có một khu vực hoặc một phòng truyền hình trực tiếp cho các phóng viên tác nghiệp. Đó là mong muốn của phóng viên, báo chí và trong dự thảo luật lần này cũng hướng tới điều đó.

“Nhiều nước có khu vực cho báo chí tác nghiệp và phiên tòa được truyền hình trực tiếp. Còn nếu báo chí mong muốn ghi hình trực tiếp tại nơi diễn ra phiên tòa thì rất khó, vì tất cả các phóng viên đều phải được đối xử bình đẳng như nhau theo Luật Báo chí. Người này vào được, người kia không sẽ là một câu chuyện phải suy nghĩ”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng chia sẻ, theo nghề Tòa án hơn 40 năm, đại biểu hiểu rất rõ việc điều hành trật tự của một phiên tòa là “cực kỳ khó”. Đặc biệt là những phiên tòa đông bị can, có khi có tới hàng trăm bị can, bị cáo, thậm chí còn không đủ chỗ cho lực lượng bảo vệ hỗ trợ phiên tòa; ngoài ra còn cả trăm luật sư…Trong khi đó, không gian hội trường lại khá nhỏ.

Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Tạo, cần thiết kế một phòng truyền hình trực tiếp để các phóng viên có thể đến để theo dõi và đưa tin, phản ánh kịp thời diễn biến phiên tòa trong lĩnh vực mà mình theo dõi, nhằm đưa thông tin tới công chúng.

“Như vậy, việc ghi âm, ghi hình phải được diễn ra qua màn hình truyền hình trực tiếp”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tạo, đối với những phiên tòa liên quan tới đạo đức, xã hội, bí mật đời tư, hoặc liên quan đến hôn nhân, gia đình, hay có những bí mật đời tư mà người trong cuộc không muốn công khai, thì phải tuân theo quy định của pháp luật và không thể ghi âm, ghi hình.

“Chẳng hạn, với chứng cứ đưa ra về việc người bạn đời ngoại tình, thì không thể công khai”, đại biểu nói.

Khi được hỏi về vai trò giám sát của nhân dân sẽ thể hiện thế nào nếu không qua ghi âm, ghi hình, đại biểu Nguyễn Tạo cho hay, việc này sẽ thể hiện qua bản án có hiệu lực pháp luật được tòa tuyên.

“Chúng ta phải hết sức khách quan, tôn trọng nghề nghiệp của nhau và làm sao thực hiện tốt hơn, hoàn thiện trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Tạo chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, cụ thể và chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình

Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất với việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại đối với những trường hợp phóng viên muốn ghi âm, ghi hình các đối tượng bị cáo, bị can, nguyên đơn nếu được đồng ý.

“Tuy nhiên, báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, cụ thể và chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình. Tổng biên tập các báo chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ghi âm, ghi hình. Như thế thì không ai dám tung tin bậy bạ trên mạng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói và đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm về nội dung này.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa: Báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, cụ thể và chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, cụ thể và chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình.

Chỉ điều chỉnh trong phòng xét xử

Giải trình về hoạt động thông tin tại phiên tòa, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Điều 141 của dự thảo luật không quy định quyền truyền thông.

“Chúng tôi chỉ điều chỉnh điều luật này trong phòng xét xử, còn ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, quay phim ai thì tòa án không có quyền can thiệp. Nhưng trong phòng xét xử thì phải quy định như trong điều luật ở đây”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và nhấn mạnh điều này là để nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự và để tôn trọng quyền con người.

“Đại biểu cũng có nói vấn đề là chỉ cần một bên đồng ý có quyền ghi âm, ghi hình thì bên này đồng ý, nhưng bên kia không đồng ý thì cũng ảnh hưởng đến quyền con người. Chúng ta cứ hình dung vợ, chồng ly dị thì rất nhiều lý do. Vợ đồng ý nói trước truyền thông thì có thể ảnh hưởng đến đời tư của chồng. Không thể một bên đồng ý cho phép truyền thông đưa lên mạng câu chuyện này”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

 Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng dẫn chứng việc hai bên tranh chấp với nhau, người A kiện người B, doanh nghiệp này kiện doanh nghiệp kia.

“Ai cũng bảo mình thắng thì sẽ lấy tư liệu bất lợi cho bên kia, cho nên vi phạm đời tư của người khác”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/de-xuat-cho-phep-bao-chi-ghi-am-ghi-hinh-tu-phong-truyen-hinh-truc-tiep-779241