Đề xuất cho rút bảo hiểm xã hội một lần qua Ngân hàng Chính sách xã hội

Lựa chọn phương án nào cho việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý sôi nổi với nhiều quan điểm khác nhau tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 23/11.

Không có chính sách nào hài lòng mọi đối tượng

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) được rút BHXH một lần, người lao động tham gia BHXH sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần. Phương án 2 là người lao động được rút BHXH một lần bằng 50% tổng thời gian đóng BHXH, 50% còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia sau này.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP.HCM)

Ủng hộ phương án 1, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP.HCM) cho biết, khi tổ chức tiếp xúc cử tri, phần lớn ý kiến của công nhân cũng như cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp ở TP.HCM tha thiết đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 1. Đây là phương án tương đối hài hòa đảm bảo quyền được rút một lần đối với người đang tham gia đóng BHXH, có thể đảm bảo ổn định quan hệ lao động khi luật có hiệu lực thi hành.

Mặc dù có thể sẽ có một làn sóng nghỉ việc, xin rút BHXH một lần ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật này, song đại biểu cho rằng nhóm lao động mới tham gia BHXH sau năm 2025 sẽ duy trì sự tham gia của mình đến cuối dòng đời lao động, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 28 của trung ương, tăng dần mức bao phủ lương hưu trí đến năm 2030 cho người trong độ tuổi nghỉ hưu là 60%.

“Thực tiễn cho thấy, không một chính sách nào làm hài lòng được tất cả đối tượng liên quan, do đó nếu muốn hạ năm đóng tối thiểu xuống 15 năm như dự thảo luật thì đồng thời cần phải chấm dứt quy định rút BHXH một lần nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến ổn định quan hệ lao động” - đại biểu Trần Thị Diệu Thúy phân tích.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cũng là một trong số ít đại biểu ủng hộ phương án 1. Dẫn chứng số liệu lao động những năm gần đây, đại biểu cho rằng tình trạng thất nghiệp, cuộc sống khó khăn là nguyên nhân chính khiến người lao động phải rút BHXH một lần, chứ không phải do họ không hiểu, không biết.

Theo đại biểu, 3 năm qua người lao động đã bị tổn thương nặng nề do đại dịch Covid-19, mất việc làm do đơn hàng của các doanh nghiệp bị cắt giảm. Do vậy đại biểu đề nghị tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 nhưng thay đổi theo hướng chuyển nguồn lực vào Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay hỗ trợ nhóm người yếu thế.

Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu nghiêng về phương án 2, nhưng có thể có một số điều chỉnh.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), nếu áp dụng phương án 1, người lao động sẽ không đồng tình. Đại biểu đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa.

Theo đó, nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động. Đây cũng là phương án đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đồng tình.

Chia sẻ trước những băn khoăn của các đại biểu về các phương án rút BHXH một lần và phản ứng của người dân, song đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh BHXH là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu. Vì thế, Nhà nước cần có một giải pháp để đảm bảo và quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí là quy định bắt buộc để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa khi tuổi già của mình và không để là một gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Giữ chân người lao động bằng lợi ích thay vì hạn chế quyền rút bảo hiểm

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, nếu chọn phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia BHXH khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp.

Phương án đại biểu Nguyễn Thanh Cầm ủng hộ là người lao động vẫn được rút BHXH một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể.

Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động truyền thông để người lao động nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó tự nguyện thực hiện.

Với phương án 2, đại biểu đoàn Tiền Giang lại băn khoăn phương án mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy là không hợp lý, bởi số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động.

Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang)

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang)

Cũng tranh luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm “Nhà nước làm luật thì nên đặt mình vào cương vị của người lao động”.

Với tinh thần đó, đại biểu cho rằng, các nội dung cơ bản của Nghị quyết 93 năm 2015 cần được tiếp tục gìn giữ, nhưng cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân người lao động, quan điểm là Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích, chứ không nên đặt ra bằng các hạn chế.

Từ đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp theo hướng cho phép người lao động rút BHXH một lần, nhưng cần có phương án trung gian. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần thì cơ quan bảo hiểm sẽ dùng sổ bảo hiểm xác định được số tiền rút một lần chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Người lao động rút số tiền đó từ ngân hàng, nhưng chịu mức lãi suất chính sách khoảng dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH.

Theo đại biểu, giải pháp trung gian này và cùng với các chính sách khác sẽ giúp thu hút người lao động tham gia BHXH bằng các lợi ích, thay vì giữ chân họ bằng các hạn chế./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-cho-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-qua-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-140033.html