Đề xuất chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội và quan điểm của những người trong ngành Y

Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp.

Ảnh minh họa: Ngọc Nga

Ảnh minh họa: Ngọc Nga

Cần được cân nhắc kỹ hơn trên cơ sở thực tiễn

Theo Điều 26. Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, của Luật Thủ đô (sửa đổi) có nêu: “1. Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại, theo mô hình ba cấp, phù hợp với quy mô dân số, địa bàn phục vụ. Tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình của Thủ đô, bảo đảm chăm sóc liên tục, toàn diện sức khỏe Nhân dân. Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập.

Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”.

Chia sẻ về nội dung này, tại Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” diễn ra vào sáng 1/8, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, Bộ luôn ủng hộ chủ trương của Hà Nội trong phát triển hệ thống y tế, với việc áp dụng các kỹ thuật mới nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến, việc chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý cần được cân nhắc kỹ hơn trên cơ sở thực tiễn.

GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” có liên quan đến 17 bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Vì thế, việc duy trì sự quản lý của Bộ Y tế với 17 bệnh viện trung ương này là cần thiết, bởi đây là những bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của cả nước.

Khi trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện trung ương này sẽ mang thương hiệu quốc gia, tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến để phát triển và chuyển giao hệ thống y tế tuyến tỉnh.

Nếu các BV Trung ương trên địa bàn chuyển về TP Hà Nội quản lý, sẽ rất khó cho công tác chỉ đạo tuyến

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nêu thực trạng, sau khi đi khảo sát, tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch COVID-19 ở phía Nam và Tây Nguyên cho thấy, ngay chỉ một chuyên ngành hồi sức tích cực cả vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên gần như 'trắng', do đó nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ông Cơ, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20-30% bệnh viện công do chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.

“Với vai trò là Giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.

Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào? Rồi mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ thế nào?”, ông Đào Xuân Cơ nói thêm.

Nói riêng về Bệnh viện Bạch Mai, ông Cơ phân tích: “Ngoài các nhiệm vụ khám chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi, ứng dụng và triển khai các kỹ thuật cao, mới tiên tiến của thế giới vào Việt Nam... chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ Bộ Y tế giao về xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật. Với sự đồng hành của các cục/vụ liên quan của Bộ Y tế, chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được hơn 5.000 danh mục. Vậy nếu trực thuộc Hà Nội quản lý, việc này sẽ thực hiện thế nào”?

Còn theo phân tích của GS.TS Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, ở Việt Nam, các BV chuyên khoa, đầu ngành bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cả nước, còn được Bộ Y tế giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Đào tạo, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, cập nhật các kỹ thuật hiện đại của thế giới, hỗ trợ các địa phương trong dịch bệnh, thảm họa… Các cơ sở y tế này đã phát huy vai trò chủ đạo, tính dẫn dắt về chuyên môn, khoa học công nghệ y tế, chỉ đạo tuyến đối với toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.

Điển hình, trong thời gian chống dịch COVID-19 hay khi xảy ra các thảm họa, thiên tai, Bộ Y tế đã chủ động điều động kịp thời các cơ sở y tế trực thuộc Bộ chi viện cho các địa phương trong cả nước. Hay các trường hợp như vụ cầu treo Chu Va (Lai Châu), các vụ ngộ độc thực phẩm đông người ở Hà Giang, Lai Châu, Quảng Nam… các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế đã thể hiện rõ vai trò tiên phong này.

“Với vai trò quan trọng như vậy, nếu các BV Trung ương trên địa bàn chuyển về TP Hà Nội quản lý, sẽ rất khó cho công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các tỉnh về chuyên môn ở tầm quốc gia. Do đó, sẽ tác động đến hệ thống y tế của toàn quốc”, GS.TS Tạ Thành Văn nói.

Đồng thời, ông cũng bày tỏ thêm, cho dù Hà Nội có chính sách đầu tư cho các cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội, thì những cơ sở này cũng khó có thể cạnh tranh được với các BV Trung ương đóng trên địa bàn như hiện tại.

Ngọc Nga (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-xuat-chuyen-cac-benh-vien-thuoc-bo-y-te-ve-ha-noi-va-quan-diem-cua-nhung-nguoi-trong-nganh-y-post483453.html