Đề xuất chuyển đổi số báo chí bằng công nghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain có thể ứng dụng vào nhiều khâu trong quy trình vận hành của một tòa soạn số, từ đó góp phần vào việc chuyển đổi số báo chí Việt Nam.
Trong những công nghệ tác động mạnh tới hoạt động báo chí, truyền thông, nhiều chuyên gia cho rằng, nổi bật nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain). Hai công nghệ này có thể được ứng dụng trong quản lý tòa soạn số, tổ chức sản xuất cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông.
Theo TS Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu CMC, công nghệ Blockchain cực kỳ quan trọng trong chuyển đổi số bởi khi đó không còn hồ sơ, văn bản, giấy tờ, chỉ còn dữ liệu. Lúc này, sẽ xuất hiện những nguy cơ khi dữ liệu có thể bị mất, thao túng hoặc sửa đổi. Blockchain sẽ giúp đảm bảo tính tin cậy của dữ liệu.
Do đó, TS Đặng Minh Tuấn đề xuất việc ứng dụng các sản phẩm của công nghệ Blockchain như NFT, hợp đồng thông minh hay Web3 để ứng dụng vào hoạt động của các tòa soạn, từ đó góp phần chuyển đổi số hoạt động báo chí.
Blockchain có thể sử dụng để xác thực tính toàn vẹn của nội dung báo chí. Đảm bảo bài viết không bị thay đổi sau khi được công bố. Điều này giúp đối tác và độc giả tin tưởng hơn vào tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung thông tin.
Công nghệ này cũng giúp duy trì quyền sở hữu trí tuệ bằng cách ghi nhận thông tin về tác giả, ngày tạo, ngày xuất bản nhờ các thông tin trên chuỗi khối. Nhờ đó, các tòa soạn số có thể bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền và các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu thông tin, dữ liệu trong bài.
Blockchain cũng có thể được sử dụng để cung cấp một cơ chế an toàn và minh bạch nhằm quản lý các giao dịch quảng cáo. Công nghệ này cho phép các bên liên quan như nhân viên kinh doanh của các tờ báo, đối tác tiếp thị, tòa soạn theo dõi và xác thực các giao dịch, từ đó đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn hành vi gian lận trong hoạt động quảng cáo.
Nhờ cơ chế tự hoạt động, hợp đồng thông minh (smart contract) có thể được sử dụng để quản lý quá trình biên tập và kiểm duyệt bài viết một cách tự động, ghi nhận và xác thực các bước trong quá trình biên tập, đảm bảo tính chính xác và minh bạch.
Trong 2 năm trở lại đây, NFT đã được ứng dụng rất nhiều trong các tài sản số. Theo TS Đặng Minh Tuấn, các tờ báo có thể biến bài báo của mình thành NFT. Nhờ vậy, mỗi bài viết đều sẽ trở thành tài sản số và có thể chuyển nhượng, rao bán.
“Tòa soạn có thể xây dựng bộ sưu tập tài sản số là các bài viết dưới dạng NFT. Đó phải là các tin bài có giá trị, sau khi được tài sản hóa thành NFT, độc giả yêu thích có thể bỏ tiền để sở hữu phiên bản số của bài viết đó. NFT cũng có thể trở thành tấm vé điện tử, một loại giấy chứng nhận số để độc giả sở hữu có quyền truy cập vào các thông tin theo thỏa thuận”, TS Đặng Minh Tuấn cho hay.
Với ứng dụng Web3, các tòa soạn báo có thể sử dụng để phân phối nội dung phi tập trung, xác thực nội dung và nguồn gốc, quản lý quyền sở hữu trí tuệ.
Nhìn chung, nếu được ứng dụng, các sản phẩm của công nghệ Blockchain sẽ có thể ngay lập tức thay đổi cách vận hành, hoạt động của các tòa soạn báo, từ đó góp phần vào công cuộc chuyển đổi số báo chí Việt Nam.