Đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT (bài 10)
'Tôi không ngại mất lòng Bộ LĐ-TB&XH. Bởi tất cả chúng ta đều nên đặt mục tiêu chung và lợi ích quốc gia lên trên tất cả. Trước, sau gì giáo dục cũng phải theo đúng thông lệ quốc tế và xu thế chung của thế giới'.
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm.
Bài 10: Chỉ vì sợ mất lòng mà xé lẻ quản lý!
Đủ tiêu chuẩn mà không được phong hàm… giáo sư
Nói về đề xuất chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT quản lý, ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, hệ thống giáo dục quốc dân vốn là một thể thống nhất. Không nên chia sẻ ra theo kiểu phần thì do Bộ GD&ĐT, phần thì do Bộ LĐ-TB&XH quản lý như hiện nay. Quản lý Nhà nước về giáo dục nên thống nhất về một đầu mối.
“Việc này tôi đã nói nhiều lần, nhất là về Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tôi cũng không ngại mất lòng Bộ LĐ-TB&XH. Bởi tất cả chúng ta đều nên đặt mục tiêu chung và lợi ích quốc gia lên trên tất cả. Trước, sau gì giáo dục cũng phải theo đúng thông lệ quốc tế và xu thế chung của thế giới” - ông Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Theo phân tích của vị tiến sĩ này, cao đẳng nên nằm trong hệ thống giáo dục đại học. Nó là giai đoạn sau giáo dục phổ thông. Mà thuộc hệ đại học thì đương nhiên phải nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Còn hiểu đơn giản, cứ nói đến giáo dục thì đương nhiên phải là Bộ GD&ĐT quản lý. Có như vậy mới thống nhất được về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn, trình độ, kiểm tra, đánh giá…
“Không nên chia rẽ ra cho hai Bộ cùng quản lý vấn đề giáo dục đào tạo như hiện này. Chúng ta nên đặt lợi ích quốc gia lên trước chứ đừng vì riêng Bộ nào” - ông Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Nói về việc quản lý hệ cao đẳng của Bộ LĐ-TB&XH, ông Thạch cho rằng, có nhiều bất cập. Bởi tư duy của Bộ này khác với Bộ GD&ĐT. Việc không có kinh nghiệm về giáo dục đào tạo sẽ ảnh hưởng đến người học cũng như các trường cao đẳng.
Chưa kể, vì không cùng hệ thống giáo dục đại học nên khi học sinh học liên thông sẽ không được bảo lưu những kết quả ở bậc học thấp hơn. Điều này gây tốn kém thời gian và tiền bạc để hoàn thiện theo chương trình của đại học.
Đặc biệt, đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp như hiện nay thì buộc cơ cấu tổ chức bộ máy trong cơ sở giáo dục cũng phải thay đổi, không thể nào giữ nguyên như trước đây. Đó còn chưa kể vấn đề phong học hàm, học vị đối với bậc cao đẳng từ khi chuyển về Bộ LĐ-TB&XH đang bị bỏ ngỏ, chưa được hướng dẫn.
Thực tế hiện nay, dù một tiến sĩ ở trường cao đẳng đủ điều kiện được phong hàm phó giáo sư, giáo sư nhưng chưa hề có quy định về vấn đề này. Đây chính là một bất cập ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của mọi người.
Một sự chồng chéo đang tồn tại là Bộ GD&ĐT quản lý một số trường cao đẳng sư phạm. Còn Bộ LĐ-TB&XH lại quản lý một số đại học, trong đó có Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long…
Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng quy định: “Cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành”.
Tuân theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì trình độ cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và do Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Vậy bằng Cử nhân Sư phạm (trình độ cao đẳng) do Bộ GD&ĐT cấp sẽ phải là “cử nhân thực hành” hay là cử nhân… không thực hành? Đồng thời cử nhân tốt nghiệp các đại học sư phạm (do hai Bộ quản lý) sẽ có cùng một loại văn bằng hay hai loại văn bằng khác nhau?
“Từ chuyện học liên thông không được công nhận, đủ tiêu chuẩn mà không được phong hàm PGS, GS… và nhiều bất cập khác thì cần thiết phải sửa đổi các luật về giáo dục. Cần đưa hệ cao đẳng về giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT quản lý để thành một đầu mối thống nhất, không chồng chéo, cục bộ” – ông Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Giáo dục nghề nghiệp chỉ là “quảng cáo” quá lên?
Cũng theo ông Trịnh Ngọc Thạch, Bộ LĐ-TB&XH nên quan tâm tới vấn đề việc làm, chính sách cho người lao động chứ không nên quản lý về đào tạo giáo dục. Lao động gắn với việc làm là nhiệm vụ quan trọng, nhưng đào tạo nghề thì khác. Học đại học cũng chính là đào tạo nghề.
Vì thế, nếu cứ tiếp tục để Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì rất chồng chéo. Cả hai Bộ cùng làm chức năng, nhưng trách nhiệm đôi khi không biết quy về Bộ nào? Hơn nữa, Bộ LĐ-TB&XH quản lý hệ cao đẳng thì không khác gì ôm đồm thêm lĩnh vực không thuộc sở trường của mình.
Ông Trịnh Ngọc Thạch nói thêm: Nếu chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT, cần biên soạn lại các luật về giáo dục. Bởi hiện tại nó “chẳng đâu vào đâu”. Điều này cho thấy sự thống nhất về mặt quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và ngay cả các cơ sở giáo dục.
“Trước đây, các trường không khác gì “một cổ hai tròng”: Một bên là Bộ LĐ-TB&XH, một bên Bộ GD&ĐT. Vì thế, không nên kéo dài mãi tình trạng này. Mỗi Bộ có chức năng nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo khác nhau. Cứ phân xẻ nguồn lực ra thì cuối cùng “anh nào cũng yếu”.
Đây là sự vướng mắc lớn khiến người ta nhìn rõ sự không thống nhất về quản lý, khó tạo được lòng tin cho xã hội. Hơn nữa, quản lý chồng chéo đôi khi cũng không “suôn sẻ” khiến chất lượng đào tạo nghề bị ảnh hưởng” - ông Thạch nói.
TS Thạch cũng thẳng thắn rằng, thực ra, GDNN chỉ “quảng cáo” quá lên, chứ còn thực tế kết quả vẫn chưa thấy rõ. Cứ nói rằng người Việt Nam chuộng bằng cấp, cứ thích phải học đại học. Nhưng thực tế, giáo dục đại học vẫn là mô hình đào tạo ra nghề một cách bài bản.
Hơn nữa, nếu không có sự phân biệt, thì người tốt nghiệp “cao đẳng nghề” sẽ phải được hưởng mọi tiêu chuẩn, chế độ như các trường hợp khác. Còn hiện nay, chẳng hạn quyền học lên đại học, thạc sĩ và tiến sĩ phải bổ sung rất nhiều mới đủ tiêu chuẩn.