Đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT (bài 8)
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ GD chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, mỗi Bộ phải thực hiện một chức năng chính, không chồng chéo để đảm bảo các quy hoạch sử dụng nguồn lực.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, chỉ với một “bộ não” điều khiển thì chúng ta mới có hệ thống đào tạo nhân lực phát triển bền vững.
Bài 8: TS Hoàng Ngọc Vinh: GD-ĐT không phải nơi “cạnh tranh thị phần” quản lý
Loại bỏ tư duy cục bộ “cạnh tranh thị phần” quản lý
Nói về kiến nghị chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT quản lý, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh: Một đất nước mà có “hai Bộ” GD&ĐT như hiện nay sẽ không phù hợp với lý luận và thực tiễn về thiết kế bộ máy của Chính phủ. Vì thế nếu kiến nghị, cá nhân tôi sẽ kiến nghị đưa GD-ĐT về một đầu mối quản lý Nhà nước để đảm bảo việc sử dụng nguồn lực quốc gia thông minh hơn.
Điều này giúp Đảng và Chính phủ dễ ràng buộc trách nhiệm giải trình về chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo, cũng như sự cân đối các trình độ đào tạo của người đứng đầu Bộ được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
Hiện, hai Bộ đang có sự lẫn lộn vai trò và chức năng nên không quy trách nhiệm một cách rõ ràng về tình hình đào tạo nhân lực trước xã hội. Khi Quốc hội hỏi thì không biết Bộ trưởng nào sẽ chịu trách nhiệm chính về chất lượng, quy mô và sự cân đối trình độ đào tạo quốc gia.
Trong khi mê mải về giáo dục thì mảng đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp, cho những người muốn chuyển đổi việc làm hoặc người đang thất nghiệp lại thiếu một sự quan tâm ở mức cần thiết thuộc chức năng của Bộ LĐ-TB&XH. Có thể nói hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần được đào tạo bổ sung, nâng tầm kỹ năng là việc làm cấp thiết hiện nay của ngành LĐ-TB&XH.
Vì thế, cần kiến nghị mang tính hệ thống và nguyên lý thiết kế bộ máy theo các Nghị quyết của Đảng. Đó là mỗi Bộ thực hiện một chức năng chính, không chồng chéo giẫm đạp lên nhau. Điều này để đảm bảo các quy hoạch sử dụng nguồn lực bao gồm đất đai và con người, cũng như thực hiện thể chế nhất quán mang tính hệ thống.
Vấn đề này Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quán triệt với ngành Giáo dục là phải đổi mới thể chế. Mà thể chế nói ngắn gọn bao gồm tổ chức hệ thống bộ máy và các chính sách, khung luật pháp vận hành bộ máy đó phù hợp với những định hướng lớn của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh hiện nay là một trong những rào cản đối với đổi mới thể chế luật pháp trong GD-ĐT.
Bộ máy quản lý GDNN ở T.Ư đã vậy nhưng ở địa phương thì sở LĐ-TB&XH ở các tỉnh, thành hầu như rất thiếu nghiệp vụ quản lý Nhà nước về GDNN. Nguyên do là phần đông cán bộ không xuất thân từ nghề dạy học. Những hiểu biết về giáo dục, thực thi luật pháp về GDNN đang cho thấy những bất ổn trong bối cảnh phân cấp hiện nay.
Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh, kiến nghị của Hiệp hội dựa vào lịch sử phát triển của trình độ đào tạo, theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, căn cứ vào những bất cập mang tính hệ thống phân loại trình độ không theo thông lệ của thế giới và những hạn chế trong việc phát triển hệ thống những năm gần đây. Cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN áp đặt chủ quan việc đào tạo CĐ nghề trước đây lên chương trình và tổ chức thực hiện chương trình CĐ theo thông lệ chung của thế giới là cách làm thiếu cơ sở khoa học từ thực tế thế giới và từ thị trường lao động.
TS Hoàng Ngọc Vinh chỉ ra rằng, đất nước bước vào thời kỳ mới đòi hỏi phải thay đổi tư duy phát triển GD-ĐT để có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng các nhu cầu phát triển rất mới mà Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra.
“Nếu tư duy vẫn manh mún, cục bộ, “cạnh tranh thị phần” quản lý Nhà nước và ngóng chờ vào nguồn ngân sách bao cấp như hai, ba thập kỷ trước, sẽ khó có sự phát triển đột phá về chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực. Chính vì vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn đất nước như thời chống Pháp, chống Mỹ, hoặc gần đây là chống đại dịch Covid-19. Chỉ với một “bộ não” điều khiển thì chúng ta mới có hệ thống đào tạo nhân lực phát triển bền vững” - TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Cùng đầu mối quản lý đem lại lợi ích cho người học
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, nếu kiến nghị đưa GD-ĐT về một đầu mối quản lý Nhà nước được Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ chuẩn y sẽ tạo ra sự thay đổi đột phá trong bối cảnh mới. Từ đó, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học sẽ khả thi và hiệu quả hơn do nguồn lực đỡ bị phân tán.
“Có thể nói chưa bao giờ giáo dục nghề nghiệp có cơ hội phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của giáo dục nghề nghiệp đã làm xuất hiện những thách thức về chất lượng, hiệu quả cũng như năng lực quản lý hệ thống.
Nhiều năm qua, sự chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan Trung ương theo kiểu bộ chủ quản với địa phương và vùng, dẫn đến việc nguồn lực đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo ngành nghề đào tạo giữa các trường trên địa bàn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp nhận học sinh thực tập, phân tán nguồn lực và rất cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các trường” – TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho biết, việc chuyển hệ cao đẳng về một đầu mối quản lý Nhà nước sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho người học. Bởi, cơ hội học tập suốt đời dễ dàng hơn rất nhiều do hệ thống được vận hành một cơ chế thống nhất về đảm bảo chất lượng, cơ chế liên thông, tín chỉ có giá trị thống nhất hơn… và giảm bớt rất nhiều các thủ tục quy định mang tính hành chính khác.
Đã từng có chuyện người học học xong cao đẳng (bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam) thì chỉ được công nhận tương đương bậc 4 của Khung trình độ quốc gia Úc (diploma) hoặc bậc 4 Khung trình độ của Đức (ngang công nhân) mà không qua thỏa thuận quốc gia chỉ do nhà trường đàm phán và ký kết. Đó là thiệt thòi cho người học ở Việt Nam.
Hơn nữa, sự thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước sẽ làm tinh gọn bộ máy quản lý theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Đại hội Đảng lần thứ XII. Việc Thủ tướng chỉ đạo về GD-ĐT sẽ dễ dàng hơn, “tiết kiệm” thời gian họp hành. Cũng từ đó, các trường và địa phương sẽ giảm được chi phí giao dịch giữa hai hệ thống.
Hiện nay, hai Bộ đều cử đại diện đi đàm phán quốc tế chỉ về một vấn đề khiến quá trình làm việc mất thời gian mà chưa chắc hiệu quả. Vì vậy, thống nhất đầu mối quản lý GD-ĐT còn giúp hội nhập tốt hơn với thế giới và khu vực. Đặc biệt là việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu không đảm bảo cung ứng nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế.
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho biết thêm, nếu kiến nghị được chấp thuận sẽ có nhiều việc phải làm như: Xây dựng một đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ... Sau khi đề án được chấp thuận phải xử lý một số việc như xây dựng khung chính sách hay kế hoạch tổng thể phát triển GD-ĐT mà người ta hay gọi là chiến lược phát triển. Trên cơ sở đó để xây dựng một tầm nhìn tạo ra sự đồng thuận cho phát triển GD-ĐT. Đồng thời, cần rà soát và điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để vận hành hệ thống thông suốt, góp phần phát triển nhân lực chất lượng cho đất nước.