Đề xuất danh mục các loài động vật hoang dã có khả năng gây nuôi vì mục đích thương mại

Trung tâm Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra thông cáo khuyến nghị cần ban hành danh mục các loài có khả năng gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại. Đây được xem là một giải pháp khả thi, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết các mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Theo ENV, quy định cho phép gây nuôi thương mại đối với hầu hết các loài động vật hoang dã (ĐVHD) vì mục đích kinh tế thời gian qua đã khiến công tác bảo tồn đa dạng sinh học gặp nhiều trở ngại. Tại Việt Nam, các cơ sở nuôi thương mại có đăng ký, hiện đang được phép nuôi thương mại ít nhất 39 loài bị đe dọa trên toàn cầu. Tuy nhiên rất nhiều cá thể ĐVHD được nuôi tại các cơ sở có nguồn gốc từ tự nhiên và được hợp pháp hóa tại các cơ sở rồi bán ra thị trường. Đây là một mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và các quốc gia lân cận

Do đó ENV cho rằng, việc ban hành Danh mục các loài có khả năng gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại (gọi tắt Danh mục) là một giải pháp khả thi, vừa tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế vừa đáp ứng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn cơ sở gây nuôi Hươu sao ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh minh họa. Ảnh: baodantoc.vn

Lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn cơ sở gây nuôi Hươu sao ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh minh họa. Ảnh: baodantoc.vn

Cụ thể, Danh mục sẽ giúp người dân dễ dàng biết được các loài được phép và phù hợp để nuôi thương mại.

Danh mục này sẽ chỉ liệt kê các loài có đặc tính sinh thái phù hợp và giá trị kinh tế cao, từ đó đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi. Khi có Danh mục, các rủi ro tài chính cho người dân sẽ được giảm thiểu đáng kể vì người dân không còn mạo hiểm đầu tư nuôi các loài không phù hợp với nuôi thương mại.

Theo ENV, việc giới hạn, chỉ cho phép nuôi thương mại những loài mà hoạt động buôn bán không tác động tiêu cực đến các quần thể loài ĐVHD trong tự nhiên sẽ đảm bảo hoạt động nuôi thương mại phù hợp với quy định pháp luật trong nước và quốc tế, giảm tình trạng khai thác quá mức đối với đa dạng sinh học của Việt Nam.

Danh mục này cũng được xem là giải pháp tình thế cho Việt Nam khi có thêm thời gian tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở nuôi thương mại ĐVHD, trong khi giải quyết những tồn tại hiện có như sử dụng vỏ bọc trại nuôi để “hợp pháp hóa” ĐVHD bị săn bắt trái phép từ tự nhiên; làm giả, tái sử dụng giấy tờ hay các hành vi vi phạm khác đang đe dọa đa dạng sinh học của Việt Nam.

Ngoài ra, thủ tục đăng ký nuôi cũng sẽ được tối giản, giúp người nuôi dễ dàng tuân thủ các yêu cầu pháp lý có liên quan; giảm gánh nặng hành chính cho cơ quan cấp phép và các cơ quan khoa học CITES Việt Nam, tăng hiệu quả thực thi pháp luật và giảm chi ngân sách Nhà nước.

Danh mục cũng tăng tính minh bạch, trách nhiệm và công bằng trong quản lý, giảm tham nhũng nhờ những quy định rõ ràng và cải thiện công tác thực thi pháp luật.

“Danh mục chỉ bao gồm những loài có khả năng sinh lời về mặt kinh tế, trên thực tế giúp giảm tình trạng cung vượt cầu khi không khuyến khích nuôi những loài đang dư thừa hoặc không có khả năng sinh lời trên thị trường. Ngoài ra, danh mục này sẽ được cập nhật thường xuyên trên cơ sở đánh giá kĩ lưỡng, do đó những lựa chọn về loài nuôi sẽ dần được mở rộng hơn cho người nuôi trong khi vẫn đảm bảo tính bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học”, đại diện ENV nói.

L.Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/de-xuat-danh-muc-cac-loai-dong-vat-hoang-da-co-kha-nang-gay-nuoi-vi-muc-dich-thuong-mai-48416.html