Đề xuất đầu tư cao tốc TPHCM – Mỹ Thuận giai đoạn 2 theo phương thức PPP

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc đề xuất thực hiện đầu tư giai đoạn 2 đường cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức hợp tác công tư (PPP).

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện chỉ có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, được đề xuất đầu tư giai đoạn 2 mở rộng lên 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Ảnh: Trung Chánh

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện chỉ có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, được đề xuất đầu tư giai đoạn 2 mở rộng lên 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Ảnh: Trung Chánh

TTXVN đưa tin, Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho đơn vị này là nhà đầu tư lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đường cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức PPP.

Trường hợp dự án không được phê duyệt thì nhà đầu tư chịu mọi chi phí, rủi ro của việc lập đề xuất dự án. Nhà đầu tư cũng sẵn sàng tiếp nhận các kết quả nghiên cứu trước đây liên quan đến dự án từ các cơ quan nhà nước.

Nhà đầu tư cũng cam kết sẽ hoàn thành hồ sơ lập đề xuất dự án trong ba tháng, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Theo Tập đoàn Đèo Cả, phương thức đầu tư PPP không sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho dự án, tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đồng thời kết nối chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp dự án Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã đầu tư giai đoạn 1 để tránh xung đột về phương án thu phí.

Dự án giai đoạn 2 cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng chiều dài tuyến 91 km, đi qua địa phận TPHCM, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.

Đoạn cao tốc TPHCM – Trung Lương dài khoảng 40 km đã được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ khai thác 100km/h. Sau hơn 12 năm khai thác lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đã lên tới 50.000 lượt xe/ngày đêm.

Đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51 km, quy mô 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ khai thác 80km/h, dễ phát sinh tai nạn giao thông. Trung bình mỗi ngày tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận phục vụ hơn 23.000 lượt xe, chạm mốc mãn tải dù mới đưa vào hoạt động từ năm 2022.

Để đáp ứng nhu cầu giao thông, cả hai tuyến cao tốc này đều cần sớm đầu tư giai đoạn 2 để mở rộng. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương, mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120 km/h; tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mở rộng lên 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/h.

N.Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-dau-tu-cao-toc-tphcm-my-thuan-giai-doan-2-theo-phuong-thuc-ppp/