Đề xuất để quần đảo Cát Bà phát triển xanh, bền vững
Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là việc nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người dân Hải Phòng nói chung, người dân huyện Cát Hải (đơn vị quản lý hành chính quần đảo Cát Bà) nói riêng quan tâm.
Sớm ban hành chính sách bảo vệ, quản lý di sản
Tại buổi tiếp xúc đầu tháng 12/2023 của cử tri huyện Cát Hải với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải cho biết, ngày 16/9/2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, là niềm tự hào cho Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Cát Hải nói riêng.
Đây chính là kết quả của một hành trình 10 năm nỗ lực không mệt mỏi và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương. Song bên cạnh cơ hội đó, làm thế nào để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị của di sản là việc cử tri huyện Cát Hải hết sức quan tâm. Đồng thời, cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành những chính sách, quy chế bảo vệ và quản lý Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà để các địa phương có cơ sở triển khai.
Theo ông Phạm Trí Tuyến, quần đảo Cát Bà được các tổ chức quốc tế và Chính phủ công nhận nhiều danh hiệu cao quý khác như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004; Thủ tướng Chính phủ xếp hạng danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013; Hội đồng Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) chính thức công nhận vịnh Lan Hạ, thuộc quần đảo Cát Bà là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới và trở thành thành viên thứ 46 của Hiệp hội năm 2020.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc do các dự án đều nằm trong khu vực bảo vệ của Di tích Quốc gia và vùng lõi, vùng đệm của di sản được công nhận thuộc thẩm quyền cho phép của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, cao hơn là của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương, cử tri huyện Cát Hải đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, chỉ đạo ban hành quy chế bảo vệ di tích, di sản trên phạm vi cả nước.
Tăng cường phối hợp, tuân thủ quy định quốc tế
Giải đáp kiến nghị của cử tri huyện Cát Hải, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn của các cấp chính quyền và người dân địa phương vì Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của quốc tế về bảo tồn di sản. Việc xây dựng, phát triển các dự án du lịch đều phải tuân thủ quy định này.
Liên quan đến định hướng phát triển, bảo tồn khu Du lịch Cát Bà, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, để xây dựng, phát triển khu Du lịch Cát Bà thành trung tâm du lịch biển có chất lượng cao, có thương hiệu, uy tín, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế, thành phố cần ưu tiên thực hiện dự án tuyến cáp treo Cát Hải - Cát Bà, một số dự án vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, các dự án bảo vệ môi trường khu du lịch theo quy hoạch. Cùng với đó, thành phố sử dụng các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường trên đảo Cát Bà.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đan Đức Hiệp cho rằng, thành phố cần khẩn trương triển khai chương trình hành động sau khi UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới và sớm bàn bạc, thống nhất với tỉnh Quảng Ninh về việc đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng cầu tàu, khu vực neo đậu tại vịnh Lan Hạ (nằm trong quần đảo Cát Bà)
Chia sẻ với ngành Du lịch Hải Phòng về bảo tồn, phát huy giá trị di sản được UNESCO công nhận, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, sau gần 10 năm kể từ thời điểm Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã tạo nên thương hiệu du lịch gắn với di sản cho Ninh Bình, đưa du lịch tăng trưởng đột phá, rõ rệt. Ninh Bình luôn là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và có nhiều chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn đánh giá cao.
Để đạt kết quả này, tỉnh dựa vào 3 trụ cột gồm cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Theo đó, chính quyền định hướng, ban hành các quy chế, chính sách để đầu tư, tôn tạo, tu bổ, xây dựng di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng, tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học, xây dựng định hướng bảo tồn các giá trị di sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong khu di sản phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật pháp liên quan đến di sản văn hóa, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường. Người dân địa phương vừa tham gia làm du lịch, vừa bảo vệ môi trường cảnh quan. Nhờ đó, du lịch Ninh Bình phát triển bền vững mà vẫn bảo tồn, phát huy được giá trị của di sản.