TP.HCM cải cách thủ tục để 'kéo' 7 tỷ USD vốn FDI

Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn FDI. Theo dự báo của Sở Tài chính, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở đạt được nếu các giải pháp trọng tâm về hạ tầng, cải cách thủ tục và cải thiện môi trường đầu tư được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Những tháng đầu năm 2025, lãnh đạo TP.HCM liên tiếp có các buổi làm việc với nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Thành phố tìm hiểu môi trường đầu tư. Các doanh nghiệp FDI cũng trực tiếp đi khảo sát tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tại TP.HCM để chuẩn bị cho việc ra quyết định đầu tư.

Sự khởi sắc trong thu hút đầu tư tại đầu tàu kinh tế TP.HCM được thể hiện qua số liệu thu hút FDI trong quý I/2025 đạt 567,2 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút trong năm 2025 của Thành phố khoảng 7 tỷ USD.

Trọng tâm trước mắt của Thành phố là thúc đẩy Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 113.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD). Song song đó, Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án lớn như Lotte Eco Smart City tại Khu đô thị Thủ Thiêm.

Hiện Thành phố đã lập danh mục 84 dự án mời gọi đầu tư trong giai đoạn 2024-2025, với tổng vốn kêu gọi ước tính hơn 296.000 tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên gồm hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, logistics, phát triển đô thị và công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang gấp rút hoàn thiện quy trình để triển khai 11 khu vực phát triển đô thị theo định hướng TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), tập trung dọc tuyến Metro số 1, số 2 và Vành đai 3, với tổng diện tích hơn 1.100 ha.

Không chỉ tập trung vào dự án cụ thể, Thành phố cũng đẩy nhanh thủ tục cho hàng loạt đề án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, hệ thống chống ngập và xử lý nước thải, chương trình phát triển trung tâm logistics và các trung tâm hội chợ, triển lãm quốc tế.

Cùng với đó, công tác rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án đầu tư đang bị đình trệ cũng đang được Thành phố đặc biệt quan tâm. Hai nhóm dự án được ưu tiên là nhóm dự án sản xuất FDI cần gia hạn thời gian hoạt động và nhóm dự án bất động sản đang vướng pháp lý, khiến dòng vốn đang bị “kẹt” tại các dự án. Việc xử lý dứt điểm các điểm nghẽn này sẽ tạo dư địa lớn để khai thông nguồn lực xã hội, tăng thu hút đầu tư cho Thành phố.

Bên cạnh việc mở rộng không gian phát triển, TP.HCM xác định cải thiện môi trường đầu tư là điều kiện tiên quyết để giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Để đẩy nhanh việc thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, Thành phố đang hoàn thiện các quy định liên quan đến danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược được quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Trên cơ sở triển khai thực tiễn, Sở Tài chính đã tham mưu sửa đổi, mở rộng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc lựa chọn, mời gọi nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực và kinh nghiệm.

Đặc biệt, Thành phố cam kết giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ đầu tư. Đối với hồ sơ cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế từ 15 ngày còn 7 ngày làm việc; hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 10 ngày còn 5 ngày làm việc; hồ sơ điều chỉnh tên dự án, tên và địa chỉ nhà đầu tư từ 3 ngày còn 1 ngày làm việc; hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 3 ngày còn 1 ngày làm việc.

Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục, Thành phố đang tiến hành rà soát toàn diện quy trình thẩm định để lược bỏ các khâu trung gian, giảm bớt yêu cầu lấy ý kiến đối với một số cơ quan, từ đó đẩy nhanh tiến độ xử lý dự án.

Không chỉ dừng ở cắt giảm thủ tục, TP.HCM còn chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư. Một phần mềm tổng thể về quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất đang được nghiên cứu xây dựng, kỳ vọng sẽ giúp theo dõi và kiểm soát tiến độ, vướng mắc và khả năng giải ngân của từng dự án. Ngoài ra, Thành phố cũng kiến nghị sửa đổi hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để có thể triển khai giải quyết thủ tục hành chính toàn trình với các hồ sơ dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-cai-cach-thu-tuc-de-keo-7-ty-usd-von-fdi-d280308.html