Đề xuất doanh nghiệp phải lập quỹ dự phòng BHXH

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, ngày 27-5, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung để giải quyết tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng và nợ bảo hiểm xã hội đang gia tăng. Một trong những đề xuất này là nên bắt buộc doanh nghiệp có quỹ dự phòng bảo hiểm xã hội (BHXH); tổ chức công đoàn cũng có thể khởi kiện với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tình trạng trốn đóng, chậm đóng và nợ bảo hiểm xã hội đang gia tăng thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động. Ảnh minh họa: TL

Tình trạng trốn đóng, chậm đóng và nợ bảo hiểm xã hội đang gia tăng thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động. Ảnh minh họa: TL

Tại kỳ họp thứ 7 diễn ra ngày 27-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Theo TTXVN, nhiều đại biểu nhấn mạnh, tình trạng trốn đóng, chậm đóng và nợ bảo hiểm xã hội đang gia tăng thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động và người lao động phải tham gia các vụ kiện tụng ở tòa. Tuy nhiên, quá trình kiện tụng kéo dài, thậm chí có nhiều trường hợp hồ sơ kiện của người lao động bị tòa trả lại do thiếu các giấy tờ. Điều này dẫn đến người lao động sẽ bị thiệt thòi.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Danh Lam, đoàn đại biểu từ Hậu Giang đề nghị, nên có quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm tra đối với việc thu bảo hiểm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo luật quy định Chính phủ có thể giao hẳn cho ngành bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hoặc đề nghị kiến nghị khởi kiện ra tòa theo Bộ luật Hình sự.

Đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ nên bắt buộc doanh nghiệp có quỹ dự phòng bảo hiểm xã hội giống như quỹ dự phòng của doanh nghiệp hoặc quỹ hoạt động của doanh nghiệp theo tỷ lệ nhất định. Việc này hướng đến đảm bảo quyền lợi đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động.

Cùng quan điểm, đại biểu đến từ đoàn Hà Giang đề nghị, trong dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội ngày càng tăng.

Trong đó, có quy định về chính sách công khai rộng rãi về thông tin tình hình nợ xấu; thời gian nợ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp để người lao động có thể theo dõi cũng như có thêm thông tin trong việc lựa chọn công việc phù hợp.

Tại phiên họp, một số đại biểu khác đóng góp ý kiến, tổ chức công đoàn cũng có thể khởi kiện với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có căn cứ cho rằng cơ quan bảo hiểm xã hội chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra dẫn đến người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Theo đó, dự thảo luận cũng cần có quy định rõ hơn về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trúc Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-doanh-nghiep-phai-lap-quy-du-phong-bhxh/