Đề xuất đổi tên Luật Đất đai thành Bộ luật Đất đai

Luật sư Trương Thị Hòa đánh giá với kết cấu, nội dung của dự thảo và tầm quan trọng của đất đai thì tổng hợp các quy định tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi xứng đáng với tên gọi là Bộ luật Đất đai.

Sáng 13-6, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đề xuất đổi từ "Luật" thành "Bộ luật"

Hội thảo tập trung góp ý trực tiếp vào những điều luật đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý; vào những quy định đang thể hiện có hai phương tại dự thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết cơ quan soạn thảo đã rất quan tâm đến các ý kiến đóng góp nên dự thảo mới đã bổ sung rất nhiều vấn đề được góp ý nhiều lần trong thời gian qua. Đồng thời, dự thảo đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng đối với đất đai, đã nâng cao tính chất pháp lý của các quy định từ các văn bản dưới Luật thành các điều khoản của Luật.

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), luật sư Hòa cho rằng đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước theo quy định tại Điều 54 khoản 1 Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo với 16 Chương, 264 Điều đã quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề liên quan đến đất đai từ chế độ sở hữu đất đai, quyền và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất.

Dự thảo đã bao hàm tất cả các nội dung nêu trên xứng đáng với tên gọi là Bộ luật Đất đai. Hơn nữa, sử dụng tên Bộ luật Đất đai sẽ có tác động tâm lý chính trị pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện luật.

LS Trương Thị Hòa

Về thực tiễn các vụ tranh chấp tại tòa án (dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại), khiếu nại, tố cáo thì lĩnh vực liên quan đến đất đai đã chiếm đến 70% đến 80%.

Ngoài ra, tài sản của mỗi cá nhân, của tổ chức, pháp nhân hầu hết đều liên quan đến đất đai, bị điều chỉnh, chi phối bởi Luật Đất đai.

Do đó, luật sư Hòa đề nghị đổi tên từ Luật Đất đai thành Bộ luật Đất đai.

“Dự thảo đã bao hàm tất cả các nội dung nêu trên xứng đáng với tên gọi là Bộ luật Đất đai. Hơn nữa, sử dụng tên Bộ luật Đất đai sẽ có tác động tâm lý chính trị pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện luật”, LS Trương Thị Hòa nói.

 Luật sư Trương Thị Hòa góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có đề nghị đổi tên Luật Đất đai. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có đề nghị đổi tên Luật Đất đai. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Cần tương thích với Luật Tổ chức TAND

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, luật sư đề nghị khoản 1 Điều 236 sau chữ“Tòa án nhân dân” bổ sung các chữ “chuyên biệt về đất đai” (tức tranh chấp đất đai thuộc trường hợp có giấy chứng nhận sẽ do TAND chuyên biệt về đất đai giải quyết -PV).

Lý giải về điều này, luật sư Hòa cho biết Điều 62 và Điều 63 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ có TAND chuyên biệt sơ thẩm các đặc thù theo quy định của pháp luật, cơ cấu TAND sơ thẩm chuyên biệt do Chánh án TAND Tối cao quy định.

Việc bổ sung TAND chuyên biệt về đất đai là phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (xây dựng Tòa án chuyên nghiệp), phù hợp với Nghị quyết 755/NQ-UBTVQH15 ngày 27-3-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp với người chưa thành niên.

NGUYỄN QUÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-doi-ten-luat-dat-dai-thanh-bo-luat-dat-dai-post756407.html