Đề xuất đưa 3/12 dự án yếu kém ngành công thương khỏi danh sách theo dõi
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các thành viên Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém một số dự án chậm tiến độ ngành công thương đã thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định ngay trong tháng 8.2020 về việc đưa 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý của ban chỉ đạo.
Ngày 19.8, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém một số dự án chậm tiến độ ngành công thương chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo về việc xem xét đưa ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo một số dự án và xử lý, quyết toán hợp đồng EPC đối với một số dự án, doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải phấn đấu hoàn thành xử lý 12 dự án, doanh nghiệp trong năm 2020, nếu phải kéo dài thì không quá nửa đầu năm 2021. Trong khi đó, thời gian còn lại rất ít, nhiệm vụ rất phức tạp và khó khăn.
Do đó, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ này để có sự chuyển biến rõ rệt, thực chất hơn.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu phương án xử lý phải khả thi theo nguyên tắc các doanh nghiệp, chủ đầu tư chủ động, chịu trách nhiệm xử lý theo thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, quan tâm toàn diện, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an ninh và an toàn xã hội… Đặc biệt, quá trình xử lý phải nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay của dự án, doanh nghiệp, không đùn đẩy trách nhiệm trong vấn đề này.
Qua thảo luận tại phiên họp, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ và các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ngay trong tháng 8.2020 về việc đưa 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý của ban chỉ đạo.
Các tập đoàn, tổng công ty chịu trách nhiệm toàn diện về việc xử lý các dự án, doanh nghiệp của mình, bảo đảm phù hợp với các quy định. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các tập đoàn có dự án, doanh nghiệp trên theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xử lý, quyết toán các hợp đồng EPC của 5 dự án, doanh nghiệp, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các chủ đầu tư, tập đoàn, tổng công ty phải xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng này theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong đó chủ đầu tư, tập đoàn, tổng công ty phải đánh giá, xem xét kỹ các phương án xử lý khả thi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2020 bởi đây là cơ sở để Ban Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ như: Cơ cấu lại, bán vốn, thoái vốn… tại các dự án, doanh nghiệp. Đồng thời, làm rõ và xử lý những sai phạm, vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đặc biệt, các bộ, ngành và cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp thuê tư vấn độc lập để định giá, bảo đảm đánh giá trung thực khách quan, đúng giá trị thực của tài sản các dự án và đúng pháp luật để làm căn cứ xây dựng phương án xử lý dứt điểm đối với các dự án đang còn chưa quyết toán hợp đồng EPC.