Đề xuất giải pháp chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
Theo Bộ Y tế, WHO vẫn cảnh báo Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc-xin.
Bộ Y tế vừa có Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch Covid-19.
Theo Bộ Y tế, WHO vẫn cảnh báo Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc-xin.
Về tình hình dịch trong nước, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%).
Riêng trong tháng 7/2022, ghi nhận hơn 33.000 ca mắc mới, 06 ca tử vong; số mắc mới trung bình 1.000 ca mắc mỗi ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, tử vong giảm 2 ca, tỷ lệ tử vong/mắc là 0,02% (trung bình thế giới là xấp xỉ 1,2%).
Trong nước ghi nhận biến thể phụ BA.4, B.A.5 đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 3, 4 tại nhiều tỉnh, thành phố còn thấp.
Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Trước tình hình dịch bệnh trên, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới là tiếp tục giữ phân loại bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A
Theo Bộ Y tế, hiện nay, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B đối với Covid-19 có những thách thức như: Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng;
Kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vắc-xin trong tình trạng khẩn cấp.
Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức; người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch
Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 trên cơ sở Kế hoạch Chiến lược chuẩn bị và đáp ứng Covid-19 của WHO với 2 tình huống:
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện;
Kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly/ theo dõi sức khỏe; Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.
Bộ Y tế cũng đề xuất Chính phủ chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành
Theo Bộ Y tế, bệnh lưu hành là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc có tỷ lệ mắc bệnh (hiện mắc/mới mắc) tương đối cao trong một khu vực địa lý hoặc trong một quần thể nhất định.
Như vậy, một bệnh được coi là lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Đối với dịch Covid-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vắc-xin và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.
Theo Bộ Y tế, WHO đã đưa ra kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 với điều kiện cơ bản là tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 đạt trên 70% dân số trên phạm vi toàn cầu và kiểm soát được số mắc mới và tử vong do Covid-19.
WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã từng bước nới lỏng nhiều biện pháp phòng, chống dịch như đối với các bệnh thông thường khác trên cơ sở tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cao (trên 80%) và số ca mắc mới, tử vong giảm trong thời gian gần đây.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc tuy nhiên số ca mắc đã có xu hướng gia tăng trở lại trong thời gian gần đây và vẫn ghi nhận các ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.
Việt Nam hiện cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Tuy nhiên vẫn cần luôn cảnh giác với các biến thể mới của virus, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh và trước hết đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thành tiêm mũi 3, mũi 4, tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi.
Theo Bộ Y tế hiện nay, WHO vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là tình trạng đại dịch trên toàn cầu; tại Việt Nam vẫn ghi nhận số mắc, tử vong và đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được triển khai linh hoạt để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc duy trì công bố dịch Covid-19 như hiện nay đảm bảo được sự quan tâm và huy động nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để có điều chỉnh phù hợp và không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh.
Liên quan tới công tác tiêm chủng vắc-xin, tại báo cáo của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/8 về tình hình tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 Bộ Y tế cho biết, ngày 2/8 vừa qua, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã tổ chức họp về việc tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 5 tuổi và hiện vẫn chưa có khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm tuổi này.
Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phân bổ vắc-xin đến hết năm 2022 và kết hoạch sử dụng vắc-xin năm 2023.
Trên cơ sở đề xuất nhu cầu vắc-xin phòng Covid-19 của các địa phương, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện kế hoạch phân bổ vắc-xin đến hết năm 2022 và kế hoạch sử dụng năm 2023.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ địa phương triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đồng thời Bộ cũng sẽ tiếp tục theo dõi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm triển khai của các quốc gia để đưa ra khuyến cáo và xác định nhu cầu vắc-xin tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi nếu đủ cơ sở và bằng chứng khoa học triển khai tiêm chủng.