Đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng, phục vụ chuyển đổi số
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày và đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất để đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số.
Cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số
Ngày 6/10, tại Tp.Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức hội thảo và triển lãm “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa lần thứ 1, năm 2023”. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10).
Chương trình có sự tham gia của khoảng 500 khách mời, diễn giả; trên 30 đơn vị tham gia tài trợ, triển lãm và đồng hành.
Không chỉ hướng đến mục tiêu đưa ra các giải pháp công nghệ tiên tiến mà chương trình còn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số; an toàn, an ninh mạng của các cấp, ngành, trường đại học, cao đẳng, cộng đồng doanh nghiệp phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số sát với nhu cầu và thực tiễn công tác.
Phát biểu khai mạc, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nên sự thay đổi đồng bộ về nhận thức và hành vi của cả cộng đồng.
Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số tại Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả tích cực như nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; hạ tầng công nghệ thông tin được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển.
Mặt khác, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính quyền số, công tác truyền thông được đẩy mạnh; dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; an ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng.
Bên cạnh đó, nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm tăng cường; tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn đem lại, việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số đặt ra hàng loạt thách thức bởi lẽ khi toàn bộ hoạt động được chuyển lên môi trường mạng, tiềm ẩn nhiều rủi ro mới về nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Do đó, đòi hỏi công tác bảo đảm an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số cần được quan tâm, chú trọng.
Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược an ninh mạng quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng.
Đồng thời, nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo an toàn an ninh mạng gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để các cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số…
Nhiều giải pháp được đưa ra
Hội thảo diễn ra với 2 phiên, bao gồm phiên hội thảo chính với chủ đề “Bảo đảm an toàn dữ liệu thực hiện chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia và chuyển đổi số, đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo, camera AI” và phiên chuyên đề “Giới thiệu một số giải pháp, sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho địa phương, ngành, lĩnh vực”.
Tại phiên hội thảo chính, ngoài cung cấp thông tin, tình hình an toàn thông tin, những nguy cơ và thách thức; các công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng vào các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất để đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số.
Theo Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó Trưởng Phòng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ cho cán bộ nhân viên thì cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường an ninh, bảo mật hệ thống thông tin, phòng chống mã độc, mua bán dữ liệu khách hàng.
Còn ông Nguyễn Phú Lương, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – Cục An toàn thông tin cho biết, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023, ghi nhận 12.360 phản ánh lừa đảo.
Riêng tháng 9, ghi nhận 1.553 phản ánh từ người dân liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Ba hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất là giả mạo website; lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link, file nén; lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.
Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc, đến thời điểm hiện tại, đã ngăn chặn triệt để hơn 7.950 website vi phạm pháp luật, có 2.139 website lừa đảo. Bảo vệ hơn 9,7 triệu người dân (tương ứng 13,8% người dùng internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Một số các giải pháp đã triển khai nhằm ngăn chặn lừa đảo trực tuyến như hệ sinh thái tín nhiệm mạng; hệ thống giám sát phát hiện các tên miền độc hại; cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo; Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam; tổng đài phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác; các cổng thông tin phục vụ người dân; triển khai chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng trên toàn quốc…
Để tránh bị lừa đảo, ông Lương khuyến nghị người dân tuyệt đối bảo mật các thông tin cá nhân của bản thân; giữ bình tĩnh trước các tình huống bất ngờ trên không gian mạng; lập tức trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện bị trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến; sử dụng các tính năng bảo mật để bảo vệ các tài khoản trực tuyến…
Riêng đối với các địa phương, theo ông Lương cần chủ động giám sát, phát hiện để phối hợp xử lý kịp thời, ngăn chặn lừa đảo; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương, chủ động triển khai các chiến dịch, phổ biến rộng rãi cho người dân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để nhận diện, phòng tránh lừa đảo trực tuyến.
Ngoài ra, thường xuyên, định kỳ tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho cán bộ, người dân; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chức năng để đấu tranh với các đối tượng lừa đảo trực tuyến.
Trong khi đó, TS. Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Vnisa phía Nam cho biết, hiện nay camera an ninh được sử dụng rất nhiều trong đời sống. Các camera có thể được kết nối online nên nguy cơ bị tấn công rất nhiều và dễ dàng.
Vì vậy, ông kiến nghị cần có công cụ để thường xuyên theo dõi cập nhật, nhận dạng các chủng loại camera có lỗi để khuyến cáo người dân, doanh nghiệp trong đầu tư trang bị; cần có dịch vụ tự tra cứu lỗi camera lỗi cho người dân; cần đánh giá các dịch vụ Cloud phổ biến đang cung cấp trên thị trường. Mặt khác, cần có kịch bản cho việc xử lý các tình huống tấn công trên hạ tầng từ thiết bị, đặc biệt là camera an ninh…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe các tham luận về phương pháp luận đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số; giải pháp giáo dục thông minh và camera AI; giám sát an toàn thông tin cho hạ tầng trọng yếu; giải pháp tích hợp phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và thư viện; giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số…
Cùng với hội thảo là triển lãm giới thiệu, trình diễn các giải pháp, sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng đến từ các đơn vị trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và cả nước.