Đề xuất giải pháp khả thi trong giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Ngày 24/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông'.
Nghiên cứu độc lập đánh giá dư luận xã hội
Trình bày kế hoạch giám sát chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, tại phiên họp thứ Nhất, lãnh đạo Đoàn giám sát đã quán triệt tinh thần chỉ đạo chung của Chủ tịch Quốc hội về hoạt động giám sát của Quốc hội là giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng. Giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài. Phải phát huy được những mô hình tốt những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng, đó mới là giám sát.
Thứ 2 là phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước, đó mới là mục tiêu của giám sát.
Trong bối cảnh ngày 16/9/2022 Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận số 341 kiểm tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Vì vậy, kế hoạch của Đoàn giám sát đảm bảo một số vấn đề cơ bản về yêu cầu, nội dung, giải pháp:
Về phạm vi, thời gian: bám chắc nội dung Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 - 2022.
Nghị định số 69 ngày 25/5/2017 về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định 404 ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Công văn số 336 ngày 16/10/2020 thông báo kết quả kiểm toán năm 2020 niên độ 2019; hiện nay đang tiến hành kiểm toán của năm 2021, 2022; thành viên là lãnh đạo Kiểm toán sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Đoàn giám sát.
Đồng thời nghiên cứu các tài liệu giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010 về việc thực hiện chính sách pháp luật bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; năm 2013 về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Do tính chất đặc thù của chuyên đề giám sát này, nhất là thông qua ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về 3 chuyên đề giám sát. Đoàn giám sát có lưu ý thêm về một số hoạt động là:
Thứ nhất: Phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu độc lập đánh giá dư luận xã hôị̣, có Báo cáo kết quả điều tra xã hội học về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thứ 2: Kế thừa kinh nghiệm của các đoàn giám sát triển khai thời gian qua, trong chương trình, sẽ phối hợp xây dựng phóng sự, phim minh họa báo cáo kết quả chuyên đề giám sát.
Thứ 3: Hạn chế mức thấp nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động, chương trình công tác của các bộ, ngành, địa phương; nhất là chủ động lên chương trình, dự kiến về thời gian, gửi các cơ quan, lãnh đạo các cơ quan tham gia Đoàn giám sát để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan nơi công tác và tham gia hiệu quả các nội đung được phân công của Đoàn giám sát.
Làm rõ những vướng mắc, bất cập
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua ý kiến góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghi nhận, đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc chuẩn bị đầy đủ các văn bản Theo quy định.
Trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến góp ý hôm nay, Đoàn giám sát sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, tối đa, trình xin ý kiến tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 ngày 27/9 tới đây, sau đó kịp thời triển khai theo kế hoạch. Trong đó cần lưu ý:
Không làm thay cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng; căn cứ để đánh giá. Nghiên cứu khảo sát phải chọn các điển hình, đặc thù...vùng kinh tế, xã hội khác nhau.
Làm rõ mỗi bộ ngành, địa phương tập trung chủ yếu vào việc gì; không phải làm các cuộc như nhau. Tư liệu, tài liệu đã có nhiều, không cần Hội thảo rộng, chỉ cần tọa đàm hẹp theo từng phần, từng nhóm vấn đề.
Qua cuộc giám sát, sản phẩm, tổng thể cuối cùng là giải trình. Làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Đoàn giám sát kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát, thậm chí có những vấn đề còn phải điều chỉnh về chương trình, kế hoạch vì quá trình làm có thể phát sinh những vấn đề mới, có vấn đề cần phải mở rộng, đi sâu hơn...