Đề xuất giảm tiền phạt người vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu

Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 0,8-1 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn, thay vì phạt 6-8 triệu đồng như hiện hành.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Đáng chú ý, Bộ Công an đã đề xuất giảm mức phạt tiền so với quy định đang áp dụng tại Nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800.000 đồng với người lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu.

Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800.000 đồng với người lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu.

Đây là mức vi phạm tối thiểu trong quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Theo ban soạn thảo, đề xuất này nhằm phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Theo đó, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 0,8-1 triệu đồng (mức đang áp dụng là từ 6-8 triệu đồng).

Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, mức phạt được đề xuất là từ 400.000-600.000 đồng (mức đang áp dụng là từ 2-3 triệu đồng)

Còn đối với xe máy chuyên dùng, Bộ Công an đề xuất phạt 0,8-1 triệu đồng, trong khi đó mức phạt đang áp dụng là từ 3-5 triệu đồng.

Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ áp dụng từ ngày 1/7, quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện bằng 0, tức là cấm tuyệt đối.

Về lý do, Bộ Công an nhấn mạnh, xuất phát từ Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa trong giao thông đã điều khiển phương tiện thì không uống rượu bia.

Quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng 0 nhằm thiết lập văn hóa về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra.

Bởi, tính chung tỉ lệ về tai nạn giao thông trong thời gian qua thì người điều khiển có nồng độ cồn trong máu và hơi thở gây tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-giam-tien-phat-nguoi-vi-pham-nong-do-con-muc-toi-thieu-19224080211551138.htm