Đề xuất giảm tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí trong lĩnh vực y tế

Tại dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế thay thế thông tư số 278/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí từ 80% xuống còn 38%.

Điều chỉnh tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí trong lĩnh vực y tế từ 80% xuống còn 37,67% (là tròn thành 38%)

Điều chỉnh tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí trong lĩnh vực y tế từ 80% xuống còn 37,67% (là tròn thành 38%)

Bộ Tài chính cho biết, về quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực y tế, tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 278 quy định: Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được trích lại 80% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định. Nộp 20% tiền phí thu được vào NSNN.

Theo Bộ Y tế tính đến hết năm 2021, số tiền phí trong lĩnh y tế chưa chi hết chuyển sang năm 2022 khoảng 53,1 tỷ đồng; tương ứng với số tiền chưa chi hết này, còn khoảng 11.741 hồ sơ chưa thanh toán chi phí thẩm định. Dự kiến tổng chi phí thực hiện các công việc này là 55,1 tỷ đồng.

Trong năm 2022, số liệu thu, chi tiền phí như sau: Số phí thu được là 14,6 tỷ đồng, số chi là 5,5 tỷ đồng.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP và số liệu thu, chi tiền phí trong năm 2022, tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí được xác định như sau: 5,5 tỷ đồng (số chi từ tiền phí) / 14,6 tỷ đồng (số thu tiền phí) x 100% = 37,67 %

Do vậy, tại dự thảo Thông tư điều chỉnh tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí từ 80% xuống còn 37,67% (làm tròn thành 38%).

Đồng thời, để tránh tình trạng tiền phí được để lại tồn dư, không chi hết tại cơ quan thu trong thời gian dài. Tại dự thảo Thông tư đã bổ sung quy định nộp vào NSNN số tiền phí đã được chuyển nguồn từ năm trước sang mà không còn nhiệm vụ chi.

Cụ thể, tại Điều 6 dự thảo Thông tư sửa thành như sau: "1. Tổ chức thu phí là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng được trích lại 38% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí trong năm được trích để lại chưa chi được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 02 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi thì phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Nộp 62% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Đối với tổ chức thu phí là cơ quan thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế

Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước trừ trường hợp quy định dưới đây. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP thì được trích lại 38% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí trong năm được trích để lại chưa chi được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 02 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi thì phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Nộp 62% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-giam-ty-le-de-lai-cho-to-chuc-thu-phi-trong-linh-vuc-y-te-102230316142030815.htm