Đề xuất giao EVN tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Tại hội nghị tổng kết năm 2024 của EVN, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn đề xuất Thủ tướng giao tập đoàn tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nguồn điện mới.
Năm 2024 hoàn thành các chỉ tiêu vượt xa năm trước
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Đảng bộ năm 2024 đồng thời tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của EVN ngày 6/1, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy EVN cho biết, năm 2024, tập đoàn đã bám sát kế hoạch vận hành hệ thống và cung cấp điện do Bộ Công Thương phê duyệt cũng như diễn biến thực tế để chỉ đạo điều hành cung ứng điện; phối hợp tốt với các đối tác cung cấp nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện.
Qua đó đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trong bối cảnh nhu cầu điện tăng trưởng rất cao do kinh tế tiếp tục hồi phục, đặc biệt là giai đoạn thời tiết nắng nóng gay gắt tại cả 3 miền trong các tháng cao điểm mùa khô.
Đặc biệt, EVN đã hoàn thành đóng điện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công; đóng điện vượt tiến độ, hòa lưới thành công Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng và đưa vào vận hành kịp thời nhiều dự án lưới điện,... là những thành tích nổi bật đáng ghi nhận trong năm 2024 của EVN.
Tập đoàn cũng đã tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão số 3 và mưa lũ trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị, nhanh chóng khôi phục cung cấp điện cho toàn bộ khách hàng.
Nhờ đó, EVN đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh vượt xa mức thực hiện của năm trước. Cụ thể, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 đạt 308,73 tỷ kWh, tăng 9,9% so năm 2023; điện thương phẩm toàn tập đoàn năm 2024 đạt 276,4 tỷ kWh, tăng 9,24% so với năm trước.
Tổn thất điện năng toàn EVN năm 2024 ước đạt 6,05%. Độ tin cậy cung cấp điện của tập đoàn và các đơn vị trong năm 2024 tiếp tục được cải thiện, trong đó chỉ số SAIDI (Chỉ số thời gian gián đoạn trung bình của hệ thống) ước giảm còn 230,7 phút, giảm 4,29 phút so năm 2023 và vượt mục tiêu kế hoạch đầu năm là giảm còn 304 phút. Năng suất lao động bình quân năm 2024 của toàn EVN ước đạt 3,33 triệu kWh/người, tăng khoảng 10% so với thực hiện năm 2023.
Về doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023; trong đó, doanh thu của công ty mẹ EVN ước đạt 480.662 tỷ đồng. Giá trị nộp ngân sách ước đạt 25.000 tỷ đồng (bằng 101% so với năm 2023).
Về công tác kinh doanh, EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ điện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. EVN cũng đã tiếp tục nỗ lực trong tiếp nhận lưới điện và phát triển điện nông thôn, miền núi, hải đảo.
Năm 2025 tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, về kế hoạch năm 2025, EVN sẽ tập trung đảm bảo cung cấp điện ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu sản lượng điện thương phẩm đạt từ 300,9-305,6 tỷ kWh.
Bên cạnh đó, mục tiêu đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình nguồn và lưới điện, trong đó tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm trong năm 2025 như: máy phát điện dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng; khởi công các dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái, phấn đấu hòa lưới tổ máy 1, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch trước ngày 2/9/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; khởi công 208 dự án lưới điện từ 110-500kV, đóng điện 281 dự án lưới điện từ 110-500kV,...
Tổng vốn đầu tư toàn tập đoàn dự kiến đạt 109.669 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN phấn đấu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo có lợi nhuận; năng suất lao động theo sản lượng điện thương phẩm tăng 8% trở lên.
Ngoài ra, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, EVN cũng sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chủ động theo dõi, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện, đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài.
Đề xuất giao EVN tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Tại hội nghị, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn đề xuất Thủ tướng giao tập đoàn tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nguồn điện mới. Địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 thuộc xã Vĩnh Hải và Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận) trước đây đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ.
Tại Chỉ thị 01 ngày 3/1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo triển khai, hoàn thành việc đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm.
Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu GDP 8%, làm nền tảng để đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2026 - 2030. Với mức tăng trưởng này, điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, tức là mỗi năm cần bổ sung 8.000 - 10.000MW vào hệ thống.
"Vì vậy, EVN kiến nghị Thủ tướng tiếp tục giao tập đoàn này làm chủ đầu tư các dự án nguồn điện mới, bên cạnh điện hạt nhân Ninh Thuận. Tập đoàn cũng đề nghị Thủ tướng và bộ ngành, địa phương hỗ trợ thực hiện các dự án cấp bách, rút ngắn thời gian chuẩn bị và thi công xây dựng, kịp thời tăng nguồn cung điện cho miền Bắc," ông Tuấn nói.
Đối với việc đảm bảo cung ứng điện, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN cho rằng, cùng với việc tăng nguồn cung, đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phải đồng thời thực hiện nghiêm túc tiết kiệm năng lưọng, quản lý nhu cầu sử dụng điện một cách hiệu quả.
“Đây là những nhiệm vụ cam go, tuy nhiên EVN phải làm tốt,” Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh.
Giao nhiệm vụ cho các đơn vị thành viên, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An yêu cầu toàn EVN tiếp tục phát huy, duy trì thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt top 3, top 4 khu vực Đông Nam Á. Các đơn vị tiếp tục chuyển đổi số một cách thực chất, bắt đầu ngay từ việc cải cách quy trình trong tập đoàn và tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả quản trị; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện chống lãng phí trong mọi mặt hoạt động, thực hiện tiết kiệm triệt để, đảm bảo cân bằng tài chính. Đảm bảo việc làm, đời sống người lao động; thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động; đảm bảo phát triển bền vững.
"Tập đoàn phấn đấu đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, các chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025," ông Đặng Hoàng An nói.